Xây dựng Sầm Sơn thành điểm du lịch quốc tế
Nếu trước đây du lịch Sầm Sơn chỉ thu hút được số lượng khách du lịch khiêm tốn và nhiều tai tiếng thì những năm gần đây, lưu lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế đổ về Sầm Sơn tăng lên rõ rệt: năm 2011 là 1,9 triệu lượt người; năm 2012 là 2,1 triệu lượt người; năm 2013 đón gần 2,5 triệu lượt khách; năm 2014 đón 3,15 triệu lượt khách (vượt 14,5% kế hoạch) và 9 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch về Sầm Sơn đã đạt 3.505.000 lượt, vượt 0,14% kế hoạch cả năm và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bằng nhiều biện pháp đồng bộ của chính quyền thị xã, một hình ảnh du lịch biển Sầm Sơn thân thiện, an toàn ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, đó chỉ là những thay đổi tích cực theo chiều rộng, Sầm Sơn vẫn chỉ là một điểm du lịch tầm trung. Thế nhưng, với những thay đổi gần đây của tỉnh Thanh Hóa thì quyết tâm nâng tầm Sầm Sơn thành một điểm du lịch có phân khúc khách hàng cao cấp và hoạt động suốt 4 mùa đang ngày càng thực tế.
Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến sự có mặt của quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC trên địa bàn TX Sầm Sơn. Khu resort 5 sao của FLC đã thay đổi phần lớn diện mạo của du lịch Thanh Hóa nói chung và Sầm Sơn nói riêng. Với khách sạn 5 sao và những dịch vụ cao cấp, một sân Golf chuẩn quốc tế cùng với các hạng mục vui chơi giải trí khác, khu nghỉ dưỡng của FLC đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng cao cấp.
Những mùa du lịch gần đây, nạn “chặt chém”, chèo kéo du khách đã được chính quyền Sầm Sơn xử lý mạnh tay, quyết liệt và rất hiệu quả. Phần lớn du khách về với Sầm Sơn đều hài lòng với những mô hình dịch vụ mới mà chính quyền địa phương áp dụng triển khai.
Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa mới ban hành quyết định về việc cải tạo, nâng cấp một số hạng mục của bãi biển Sầm Sơn với mục đích xây dựng Sầm Sơn ngày càng hấp dẫn với mọi đối tượng du khách.
Theo quy hoạch được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, dọc không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương dài 3,5km sẽ được bố trí 15 khu chức năng theo tiêu chí hiện đại, thân thiện và hấp dẫn du khách. Trong đó, có 27 điểm tắm tráng công cộng, 15 điểm tổ hợp bar, cà phê, giải khát. 13 hạng mục còn lại là khu vui chơi giải trí, không gian nhạc nước, bến thuyền du lịch kết hợp cây xanh, công viên cây xanh, vườn hoa bốn mùa, công viên tạo hình, khu thể dục thể thao kết hợp cây xanh, không gian điêu khắc, khuôn viên vườn hoa Nguyễn Thị Lợi, quảng trường tâm linh, lối xuống bãi biển, bãi tắm công cộng...
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Hoàng Kỳ cho biết: “Sau khi được nâng cấp, cải tạo thì bãi biển Sầm Sơn vẫn là bãi tắm tự nhiên cho nhân dân và du khách nghỉ mát, bãi biển vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Với những thay đổi đồng bộ theo chiều sâu, Sầm Sơn tới đây chắc chắn sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn cho cả du khách trong và ngoài nước...”.
Nâng tầm quốc tế và bài toán sinh kế người dân
Xây dựng, phát triển các dự án kinh tế mà vẫn đảm bảo sinh kế của người dân địa phương luôn là bài toán khó, dự án cải tạo nâng cấp bãi biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa cũng không nằm ngoài vấn đề này. Ngay sau khi thông tin về dự án quy hoạch và cải tạo bãi biển Sầm Sơn được công bố rộng rãi, nhiều người dân đã lo lắng, hoang mang, đặc biệt là với khoảng hơn 3 nghìn nhân khẩu sống dựa vào nghề di động và khoảng 7 nghìn người sống nhờ vào việc kinh doanh tại 51 ki ốt ven biển lâu nay.
Đại đa số người dân đều cho rằng, việc nâng cấp bãi biển Sầm Sơn theo hướng hiện đại là cần thiết. Tuy nhiên, khi phương án này đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân làm kinh doanh ven biển, hàng nghìn lao động tại các bến thuyền trong khu vực sẽ có nguy cơ mất nguồn sinh kế nếu tỉnh Thanh Hóa không có giải pháp hợp lý.
Ông Ngô Hoàng Kỳ cho biết, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy luôn nhấn mạnh đến việc sắp xếp công ăn việc làm cho người dân địa phương, đây là ưu tiên hàng đầu mà bất kỳ đơn vị nào trúng thầu dự án phải cam kết thực hiện. Du lịch Sầm Sơn được nâng cấp, chắc chắn du khách sẽ đến nhiều hơn và việc làm của cư dân địa phương sẽ nhiều hơn, không chỉ có một mùa như lâu nay và thu nhập sẽ cao hơn. Bản thân người dân cũng phải nâng tầm mình lên.
Bức xúc của người dân, nhất là những người đang kinh doanh ki ốt là điều dễ hiểu. Ban đầu bà con chưa hiểu, cứ sợ mất đi công ăn việc làm, nhưng không thể có chuyện đó. Chúng tôi đã, đang và sẽ tuyên truyền, nói rõ lợi ích với người dân.
Cùng quan điểm trên, trao đổi với Pháp luật Việt Nam, Bí thư Thị ủy Sầm Sơn Trịnh Huy Triều khẳng định: “Việc cải tạo và nâng tầm bãi biển Sầm Sơn ngoài việc nâng cao vị thế du lịch của Thanh Hóa thì mục đích nâng cao thu nhập, đời sống của người dân Sầm Sơn là điều rất rõ ràng. Chính quyền thị xã sẽ có những giải pháp cụ thể trong vấn đề sinh kế của người dân địa phương, trước mắt chúng tôi sẽ bố trí một phần lao động sau khi các hạng mục nâng cấp cải tạo mới đi vào hoạt động.
Thứ hai, chính quyền sẽ có những cuộc vận động nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... trên địa bàn tiếp nhận một phần lao động sau chuyển đổi và một giải pháp chúng tôi đang đợi thông qua đó là sẽ triển khai công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho những lao động muốn chuyển đổi qua nghề nghiệp mới. Đối với một số bến thuyền dọc bãi biển, chúng tôi đang lên phương án quy hoạch về một địa điểm phù hợp, sau đó sẽ xây dựng bến thuyền mới đủ điều kiện để bà con tiếp tục hoạt động ra khơi...".
“Chúng tôi ý thức được việc thay đổi những hoạt động kinh doanh lâu nay của một bộ phận người dân sẽ đối mặt với một số trở ngại. Tuy nhiên, với những giải pháp cụ thể cộng với chủ trương đúng đắn, chúng tôi tin rằng người dân sẽ đồng lòng ủng hộ...”, ông Triều nói.
Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, Thanh Hóa đang cho thấy tham vọng xây dựng thị xã du lịch Sầm Sơn trở thành một điểm du lịch mới mang tầm quốc gia và một phần quốc tế.