Xây dựng thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại: Phát huy vai trò của văn hoá

Một kết quả đáng ghi nhận của ngành Văn hoá những năm qua là thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đưa phong trào bám rễ trong đời sống nhân dân, góp phần cổ vũ các giá trị văn hoá, ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động phi văn hoá.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển văn hoá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên con đường đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp, văn minh, hiện đại. Thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Thường vụ Thành uỷ về phát triển văn hoá trong thời kỳ CNH – HĐH, thời gian qua, ngành Văn hoá Hải Phòng gặt hái được thành tựu đáng kể, nâng cao đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận những giá trị văn hóa tốt đẹp, hướng con người tới chân – thiện – mỹ.

 

Chương trình văn nghệ “Phượng thắm màu cờ” kỷ niệm 55 năm giải phóng Hải Phòng Ảnh: Vũ Dũng

Chương trình văn nghệ “Phượng thắm màu cờ” kỷ niệm 55 năm giải phóng Hải Phòng

Ảnh: Vũ Dũng

Một kết quả đáng ghi nhận của ngành Văn hoá những năm qua là thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đưa phong trào bám rễ trong đời sống nhân dân, góp phần cổ vũ các giá trị văn hoá, ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động phi văn hoá. Nhiều hủ tục trong những sinh hoạt văn hoá dần bị xoá bỏ. Nhiều lễ hội được khôi phục, hình thành, phát huy giá trị tích cực trong đời sống như lễ hội chọi trâu (Đồ Sơn), lễ kỷ niệm ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hội Núi Voi (An Lão), nghề cá (Cát Hải)... Phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư được đẩy mạnh với nhiều mô hình thiết thực và hiệu quả như tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, mô hình nông dân sản xuất giỏi, phong trào xây dựng trường học văn hóa, cơ quan y tế văn hóa… Việc xây dựng hương ước làng văn hóa, quy ước khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi triển khai Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

 

Từ phong trào xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như các làng văn hóa điển hình Cát Tiên (xã Quang Trung, An Lão), Vĩnh Khê (xã An Đồng, An Dương), Lộc Trù (xã Tiên Thắng, Tiên Lãng), 56 tổ dân phố “5 không” của quận Hồng Bàng, nhiều tuyến đường, ngõ phố, khu dân cư tự quản với phương châm đường thông hè thoáng, môi trường sống lành mạnh, văn minh. Tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau thoát đói nghèo trong cộng đồng dân cư được phát huy mạnh mẽ, mang lại những kết quả đáng khích lệ. Phong trào khuyến học, khuyến tài, thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ phát triển mạnh góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.

Là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, cán bộ làm văn hóa thành phố những năm qua luôn bám sát, tuyên truyền kịp thời các sự kiện lớn của thành phố và đất nước. Đặc biệt trong năm 2010, ngành Văn hóa tập trung dồn sức thực hiện nhiều đợt hoạt động với các chương trình nghệ thuật lớn như “Hải Phòng – Vươn ra biển lớn”; cầu truyền hình “Hải Phòng – Phượng thắm màu cờ”, các hoạt động trưng bày triển lãm, Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng lần thứ nhất… Các hoạt động đó là những món ăn tinh thần bổ ích đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.

 

Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thành phố dàn dựng nhiều chương trình, vở diễn tham dự các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật toàn quốc, quốc tế đạt kết quả cao như vở “Nữ tướng Lê Chân” (Đoàn Cải lương), “Những đứa con oan nghiệt” (Đoàn Kịch nói), Đoàn nghệ thuật múa rối tham gia lễ hội biển Brest năm 2008 tại Pháp, Liên hoan múa rối quốc tế tại Iran… Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển và nhân rộng, thu hút nhiều lực lượng tham gia. Mỗi năm có khoảng gần 50 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng được các cấp, ngành tổ chức. Ngành Văn hóa mỗi năm tổ chức gần 10 hội thi, hội diễn, liên hoan như Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc các làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, Liên hoan hát văn và hát chầu văn Hải Phòng mở rộng, Hội diễn sân khấu không chuyên, Hội thi kể chuyện, giới thiệu sách báo… hướng tới nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau.

 

Hoạt động bảo vệ, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng các công trình văn hóa cũng được quan tâm. Trong tổng số gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và di tích cách mạng hiện có của thành phố, 210 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 220 di tích được xếp hạng cấp thành phố (chiếm khoảng 40%). Hải Phòng tranh thủ được các nguồn vốn vào việc trùng tu, tôn tạo các di tích như đình Kiền Bái, Hàng Kênh, từ Lương Xâm, đình Khinh Giao, đền Nghè, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc…, qua đó lưu giữ các giá trị văn hóa cho thế hệ sau. Với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật thiết thực, chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân thành phố được nâng cao đáng kể, vai trò nền tảng của văn hóa được phát huy trong quá trình xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố văn minh, hiện đại như mục tiêu mà chính quyền và nhân dân thành phố đặt ra.

 

Thành Lê

Đọc thêm