Ðến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn bình quân hàng năm đạt 12%, trong đó lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng 8%/năm, chiếm 18% trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn. Riêng đối với ngành du lịch, trong 5 năm qua, khách lưu trú tại địa bàn đạt trên 1,2 triệu lượt người, trong đó có trên 6 nghìn lượt khách là người nước ngoài.
Hạ tầng thương mại - du lịch trên địa bàn đã từng bước được đầu tư phát triển: Khu vực chợ trung tâm thị trấn được chỉnh trang, nâng cấp; mạng lưới thương mại phát triển mạnh, nhất là các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh và rộng khắp từ trung tâm thị trấn đến các thôn.
Hoạt động chế biến hàng hóa nông sản không ngừng mở rộng quy mô và chất lượng sản phẩm. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ đáp ứng tốt được nhu cầu của du khách. Toàn thị trấn hiện có 150 cơ sở kinh doanh buôn bán, 112 khách sạn, nhà nghỉ, nghỉ trọ bình dân, 63 nhà hàng ăn uống, giải khát; 23 doanh nghiệp, HTX...
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm trên 20% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể như, trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, sẽ định hướng phù hợp để phát triển thị trường; ưu tiên cho xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi phục vụ khách du lịch; xây dựng, nâng cấp chợ trung tâm thị trấn không chỉ trở thành điểm giao thương hàng hóa mà còn là điểm đến trải nghiệm văn hóa vùng cao cho du khách; từng bước phát triển hạ tầng thương mại điện tử phù hợp với khả năng và nhu cầu xã hội.
Tại các vùng nông thôn, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới cửa hàng mua, bán truyền thống; thành lập các HTX thương mại - dịch vụ nhằm thực hiện dịch vụ “đầu vào” cho sản xuất và tổ chức “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ðẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại gắn với phát triển thị trường; tăng cường liên kết, hợp tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thị trấn. Đặc biệt, để hình thành thương hiệu riêng, tập trung xây dựng, phát triển và duy trì thương hiệu cho một một số sản phẩm chủ lực như: Gạo Khẩu mang, ớt gió, mật ong, bánh kẹo, rượu Tam giác mạch, thịt bò khô...
Riêng đối với hoạt động du lịch, đẩy mạnh mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch để tăng thời gian lưu trú của du khách trên địa bàn; phối hợp triển khai, kết nối các tour, tuyến du lịch, mở rộng các sản phẩm du lịch có tiềm năng như: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái; du lịch tìm hiểu văn hoá, lịch sử... Đồng thời, chú trọng tới việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực phục vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, mang tới các dịch vụ chuyên nghiệp nhất cho du khách.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Văn Hoàng Ngọc Linh cho biết: "Quá trình đưa thị trấn Đồng Văn trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch của huyện là một hành trình dài, trong đó luôn có những khó khăn nhất định.
Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp theo kế hoạch, thị trấn cũng luôn xác định: Phát triển thị trấn dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, giữ gìn cốt lõi giá trị của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Phát triển thương mại, dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân từ tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Từ đó xây dựng thương hiệu riêng có của một thị trấn vùng cao để thị trấn Đồng Văn trở thành một “địa chỉ đỏ” cho du khách khi đến với Hà Giang"./.