Xây dựng trạm BTS là phát triển bền vững hạ tầng viễn thông

(PLO) - Thực hiện Chỉ thị 422/CP-TTg “Về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông”, các nhà mạng viễn thông đã rất nỗ lực đẩy mạnh xây dựng các trạm BTS tại nhiều địa phương. Thế nhưng, việc này thường xuyên bị “đình trệ” do một số đối tượng tuyên truyền, kích động người dân hiểu sai lệch về việc xây dựng các trạm thu phát sóng di động (BTS).
Các trạm BTS đã làm xong phần móng nhưng đành phải dừng lại vì bị cản trở
Các trạm BTS đã làm xong phần móng nhưng đành phải dừng lại vì bị cản trở

Trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Lợi dụng những thông tin không chính thống và thiếu cơ sở khoa học, một số đối tượng đã tung “tin đồn” về việc các trạm BTS gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống xung quanh nhằm lôi kéo nhiều người tham gia vào việc cản trở xây dựng trạm. 

Đa số trong những đơn khiếu kiện của người dân đều cho rằng sóng điện từ của trạm BTS gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế nhưng, dựa trên những nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi các đơn vị chức năng trong lĩnh vực quản lý chất lượng, tất cả những số liệu thu thập được tại các trạm BTS đều cho thấy: Các trạm BTS không hề gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Theo một khảo sát thì 100% sóng các trạm được tiến hành kiểm tra đều nằm trong ngưỡng an toàn đối với con người.  

Hơn nữa, trạm BTS thực chất là công trình hạ tầng kỹ thuật còn đem lại nhiều lợi ích cho dân cư xung quanh khu vực đặt trạm. Cột anten được lắp đặt hệ thống chống sét tiêu chuẩn không chỉ chống sét cho trạm mà còn được che phủ chống sét cho không gian lân cận. Người dân xung quanh cũng được hưởng lợi bởi chất lượng phủ sóng tốt nhất với các dịch vụ chất lượng cao không chỉ là thoại, nhắn tin mà còn là các dịch vụ internet băng rộng tốc độ cao cho phép người dùng tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ đa phương tiện...

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có Công văn số 616/BKHCN-KHCN, ngày 20/3/2006 gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Trong bối cảnh việc quản lý cơ sở hạ tầng (CSHT) viễn thông, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn nhiều hạn chế như: nhận thức chưa thống nhất; cơ chế, chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ; một số quy định quản lý chưa cụ thể và sử dụng chưa hiệu quả; công tác thực thi pháp luật còn nhiều bất cập; ngày 02/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số: 422/CT-TTg “Về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông”. Trong đó, nêu rõ ngành viễn thông “là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh”, 

Ngày 22/6/2016, Thông tư liên tịch số: 15/2016/TTLT-BTTTT-BXD về việc “Hướng dẫn quản lý việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động” cũng được ban hành. Cụ thể theo khoản 2, Điều 5, “Công trình cột ăng ten thuộc hệ thống cột ăng ten nằm ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến”

Các hành vi phá hoại trạm BTS sẽ bị xử lý hình sự

Liên quan đến việc người dân bị xúi giục, kích động bởi một số đối tượng, trên thực tế đã có trường hợp phạt tù đối với hành vi phá trạm BTS. Cụ thể, một số người dân đã bị đối tượng xấu xúi giục tuyên truyền về bài báo phản khoa học cho rằng sóng BTS có hại với sức khỏe con người, phá hoại các thiết bị trong trạm BTS Viettel ở Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào năm 2009. Theo khoản 1, Điều 231 của Bộ luật Hình sự, hành vi của các bị cáo này đã phạm vào tội “Phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia” với mức án từ 3-12 năm tù.

Tại các nhà mạng, việc xây dựng các trạm BTS vẫn còn gặp phải một số cản trở từ công tác cấp phép có phần “cứng nhắc” của một vài chính quyền địa phương khi một vài doanh nghiệp viễn thông liên tục phản ánh về việc giấy phép xây dựng các trạm BTS “khó như lên trời”. Đơn cử như trường hợp xây dựng trạm BTS tại xã Trịnh Xá, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. UBND xã yêu cầu doanh nghiệp phải xin giấy phép nhưng trong thực tế đây là trường hợp được miễn giấy phép theo Thông tư liên tịch 15/2016/BTTTT-BXD.

Tại các xã Hoàng Phụ, Hoàng Ngọc (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tình trạng “cản trở” xây dựng các trạm BTS vẫn diễn ra. Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Hoàng Phụ cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền vận động bà con không nên cản trở việc xây dựng các trạm BTS, tuy nhiên vẫn có một số bộ phận người dân “quá khích” liên tục gây rối bằng cách tự ý di chuyển vật liệu của đơn vị viễn thông từ nơi này đến chỗ khác khiến việc dựng cột BTS bị cản trở, đây cũng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu người dân vẫn tiếp tục gây rối trật tự, làm hư hỏng vật liệu của đơn vị viễn thông tôi e rằng sẽ “dính” vào pháp luật thì thật đáng tiếc, nhưng pháp luật thì không thể đùa được”

Tại địa bàn tỉnh Ninh Bình, một số trạm BTS cũng xây dựng dở dang mà không thể triển khai tiếp do bị cản trở.  Trao đổi với ông Phạm Văn Ứng – Phó Chủ tịch UBND phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, nơi trực tiếp quản lý việc thực hiện xây dựng trạm BTS tại địa điểm trên thì được biết thực tế một bộ phận người dân đã bị lôi kéo, kích động bởi một đối tượng xấu.

Theo ông Ứng: “Ủy ban vô cùng tạo điều kiện cho các nhà mạng phát triển và xây dựng các trạm BTS thu phát sóng. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân lại bị kích động bởi một đối tượng có tên là Hoàng Trung Kiên gây mất trật tự và cản trở việc xây dựng trạm. Chính quyền và doanh nghiệp cũng đã tổ chức họp dân và gặp gỡ đối tượng này để giải quyết, gỡ rối nhưng đối tượng này vẫn ngoan cố không nghe và còn đưa ra một số yêu sách.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Nứa – Văn phòng Luật sư Vũ Tiến – Đoàn luật sư TP.Hà Nội: “Những kẻ xấu luôn lợi dụng sự “nhẹ dạ cả tin” của con người (đặc biệt là bộ phận những người dân vùng xâu vùng xa, những cụ già lớn tuổi, những mối quan hệ thân quen), khiến họ có những suy nghĩ sai lệch để dễ dàng thực hiện theo hành vi bất chính như cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thì đều vi phạm pháp luật”

Trong trường hợp của ông Hoàng Trung Kiên – Nếu có đủ căn cứ về việc người này có hành vi xúi giục, kích động quần chúng gây khó dễ với công trình trạm BTS Chùa Phúc Chỉnh, thì theo Điều 245 Bộ luật Hình về “Tội gây rối trật tự công cộng” hình phạt tù từ 2 đến 7 năm với trường hợp “Xúi giục người khác gây rối”. 

Đọc thêm