Kiến trúc cho từng khu phố vốn không phải là điều gì mới, mà đã được các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch trên thế giới ứng dụng từ lâu. Nhưng ở Việt Nam, trong bối cảnh quản lý đô thị hiện nay, thì đó lại là điều mới mẻ.
Thế nên, người dân TP.HCM mới có thêm câu chuyện xôn xao bàn tán khi biết tin Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) đề xuất “Nhà liên kế trong khu hiện hữu dọc theo các tuyến đường mới mở phải đồng bộ về mẫu nhà, ít nhất là về kiến trúc mặt đứng”. Đó là nhằm tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các tuyến đường đang được mở rộng hoặc tuyến đường xây dựng mới, trước mắt là các tuyến đại lộ Đông Tây, Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài và xa lộ Hà Nội.
|
Sở QHKT cũng chẳng tham vọng gì nhiều, chỉ mong thành phố tập trung vào xử lý đối với nhà liên kế hiện hữu dọc các trục đường vì đây là hình thức nhà ở phổ biến, gây ảnh hưởng lớn nhất đến bộ mặt cảnh quan kiến trúc.
Trong dự thảo mới đây gửi UBND TP. HCM, sở này cho rằng những dự án mở rộng đường hoặc xây dựng trục đường mới khi lập dự án bắt buộc phải nghiên cứu toàn diện quy hoạch chi tiết, cảnh quan và giải pháp quản lý không gian kiến trúc hai bên đường theo đúng quy định Luật Quy hoạch đô thị.
Riêng với các dự án đã và đang mở đường hiện nay (như ba tuyến nói trên), UBND quận, huyện cần xác định khu vực, ô phố có khả năng xây dựng cải tạo triệt để nhằm phát triển các dự án lớn dọc các tuyến đường hình thành khu nhà ở cao tầng, khu hỗn hợp nhà ở - dịch vụ - thương mại nhiều tầng để tích cực thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị. UBND quận, huyện có thể kêu gọi các chủ đầu tư hoặc tạm ứng ngân sách để triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực dự kiến triển khai thực hiện dự án lớn…
Mong muốn của Sở QHKT TP.HCM còn là mong muốn bấy lâu của bao nhà quản lý và người tâm huyết với đô thị Việt Nam. Có hai điều ước mà họ cùng chung, một là những ý tưởng trên thành hiện thực, hai là hiện thực đó không “đầu voi đuôi chuột”….
Tuấn An