Dẫu biết xây nhà trái phép ở những khu vực quy hoạch sẽ bị đập bỏ, thế nhưng không ít người vẫn lén lút xây liều với hy vọng kiếm thêm chút tiền đền bù. Tiền thêm đâu chẳng thấy, chỉ thấy tiền bỏ ra xây nhà trái phép “không cánh mà bay”, khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ.
|
Các ngành chức năng của quận Liên Chiểu tiến hành cưỡng chế, đập bỏ nhà xây trái phép tại dự án Bệnh viện Bưu điện III. |
Có mặt tại tổ 15, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu vào sáng 4-11, hàng chục trường hợp xây dựng nhà và lấn chiếm đất trái phép ở khu đất xây dựng Bệnh viện Bưu điện III, đã bị các lực lượng chức năng của quận Liên Chiểu tiến hành đập bỏ, nhiều gia đình có nhà xây trái phép mới thẫn thờ tiếc nuối và nhận ra việc mình làm là sai trái. Chẳng hạn như ngôi nhà do chị Nguyễn Thị Xuân “xây liều” ở khu vực này với tổng diện tích 46m2, mặc dù trước đó địa phương đã nhiều lần vận động tự tháo dỡ, thế nhưng chị Xuân vẫn cố tình “bám trụ” với hy vọng được đền bù. Để đến hôm nay, ngôi nhà đã bị tháo dỡ và chị Xuân phải chịu thiệt hại.
Tình trạng xây nhà trái phép không chỉ “nóng” ở địa bàn Liên Chiểu, mà ở Hòa Vang trong thời gian qua cũng đã xảy ra. Tưởng đâu vào đầu tháng 3-2010, sau khi UBND huyện Hòa Vang cưỡng chế 35 ngôi nhà xây dựng trái phép trong khu vực Dự án Nghĩa trang thành phố tại xã Hòa Sơn sẽ làm cho nhiều hộ dân thức tỉnh, thế nhưng, mới đây, sau khi Dự án xây dựng tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài lên Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ (huyện Hòa Vang) công bố quy hoạch, đã có không ít người dân chạy đôn chạy đáo vay tiền để xây nhà trái phép “đón lõng” tiền đền bù của Nhà nước. Nhưng khi chính quyền địa phương phát hiện, toàn bộ những ngôi nhà “xây liều” đã bị đập bỏ.
Chỉ đạo việc cưỡng chế hàng chục ngôi nhà và lấn chiếm đất trái phép tại dự án Bệnh viện Bưu điện III, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, trong thời gian qua, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp xây nhà cửa, công trình trái phép sẽ lập biên bản, kiên quyết đập bỏ ngay nhằm tránh tình trạng “dân xây xong, chính quyền mới đi tháo dỡ”.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoài, Đội trưởng Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận Liên Chiểu: Trong 46 trường hợp xây nhà và lấn chiếm đất trái phép tại dự án Bệnh viện Bưu điện III, sau thời gian vận động, đã có 32 hộ tự nguyện tháo dỡ di dời. Tuy nhiên, vẫn còn 16 trường hợp “ăn vạ” không chịu di dời. Đối với những hộ dân không chịu di dời, chính quyền địa phương phải cưỡng chế, đập bỏ để bàn giao mặt bằng cho dự án. Và đến thời điểm này, toàn bộ số hộ xây nhà và lấn chiếm đất trái phép ở dự án Bệnh viện Bưu điện III đã được xử lý dứt điểm.
Câu chuyện xây nhà trái phép đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở những địa phương có nhiều dự án đầu tư. Và một thực tế cần phải nhắc đến, trong khi người dân cứ lén lút xây lên, còn chính quyền phát hiện và đập bỏ. Cái vòng luẩn quẩn này cứ thế diễn ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại cho cả Nhà nước và những ai cố tình xây nhà trái phép. Vậy một câu hỏi đặt ra: Tại sao tình trạng xây nhà trái phép chưa thể dẹp bỏ một cách triệt để?
Xin kết thúc bài viết này bằng những lời bàn tán của người dân khi chứng kiến hàng chục ngôi nhà xây trái phép ở khu vực quy hoạch dự án Bệnh viện Bưu điện III bị cưỡng chế, đập bỏ: “Nếu như chính quyền địa phương thấy người dân đặt viên gạch làm móng mà đến can ngăn và xử lý ngay thì đâu có chuyện tốn tiền cho công tác cưỡng chế và thiệt hại cho hộ dân”. Phải chăng chính quyền sở tại không biết việc người dân xây nhà trái phép, hay địa phương không làm tốt việc quản lý xây dựng trên địa bàn?
Bài và ảnh: Trọng Hùng- Trọng Huy