|
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường hướng dẫn giao thông |
An toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực
Phóng viên: Trong “Tháng an toàn giao thông” vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là ở các thành phố lớn trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Xin đồng chí cho biết kết quả công tác triển khai thực hiện?
Trung tướng Cao Xuân Hồng: Thực hiện Chỉ thị số 718/TTg ngày 1/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định tháng 9 hàng năm là “Tháng an toàn giao thông”, Kế hoạch số 241/UBATGTQG ngày 2/8/2010 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Kế hoạch số 150/KH- BCA(C61) ngày 25/8/2010 của Bộ Công an; lực lượng Công an đã có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc “Tháng ATGT” với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”; phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tăng cường cho Công an các địa phương.
Công an các địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh có kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể hướng ứng Tháng ATGT; đồng loạt ra quân, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị, phối hợp với các lực lượng chức năng, lực lượng tự quản, tình nguyện triển khai bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường, các nút giao thông, tăng cường hướng dẫn giao thông và tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT.
Kết quả, trong tháng 9/2010, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 585.300 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, so với tháng 8/2010 tăng 49.227 trường hợp (9,2%); Kho bạc Nhà nước thu 154,82 tỷ đồng; tước 20.608 Giấy phép lái xe; tạm giữ 2.048 xe ôtô, 61.010 xe môtô, 678 phương tiện khác. Lực lượng Cảnh sát đường thủy toàn quốc đã xử lý 19.650 trường hợp vi phạm TTATGT, so với tháng 8/2010 tăng 1000 trường hợp (5,4%); Kho bạc Nhà nước thu 9,9 tỷ đồng… Đã góp phần kìm chế TNGT, nhiều địa phương tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương). Đặc biệt, không để xảy ra tai nạn thảm khốc, các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều giảm; lực lượng Cảnh sát giao thông đã thực hiện tốt công tác dẫn đoàn, phân luồng, đảm bảo TTATGT, góp phần bảo vệ an toàn Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Phóng viên: Còn những mặt chưa làm được, thưa đồng chí?
Trung tướng Cao Xuân Hồng: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số vấn đề bất cập. Tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương vẫn còn lớn; TTATGT còn nhiều bất cập; ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp; tình hình tụ tập gây mất trật tự công cộng, đua xe trái phép ở một số thành phố lớn vẫn xảy ra; tình trạng phương tiện đường thủy không đăng ký, đăng kiểm vẫn lưu hành xảy ra phổ biến; công tác triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bộc lộ một số hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông kém và còn rất tuỳ tiện; những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT chậm được khắc phục; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT còn nhiều khó khăn,
|
Trong tháng 9/2010, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc |
Phóng viên: Để đảm bảo công tác an toàn giao thông trong những tháng cuối năm, lực lượng Công an có những giải pháp gì trong công tác chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông?
Trung tướng Cao Xuân Hồng: Thời gian tới, lực lượng Công an tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 32 của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Kế hoạch số 154/BCA của Bộ Công an và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về bảo đảm TTATGT năm 2010; trước mắt tập trung góp phần bảo vệ thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 và kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông đối với người tham gia giao thông.
Đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, thực hiện các Nghị quyết liên tịch đã ký với Uỷ ban ATGT Quốc gia nhằm giáo dục tuyên truyền tới từng hộ gia đình, hội viên, đoàn viên của mình, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông để công tác bảo đảm TTATGT thực sự là nhiệm vụ của toàn dân.
Chuẩn bị mở đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp cuối năm 2010 và dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011.
Tăng cường lực lượng của Bộ cho Công an các địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, tai nạn giao thông tăng; tổ chức việc tuần tra liên tuyến, liên địa phương gắn với sử dụng hệ thống giỏm sỏt bằng hỡnh ảnh xử lý vi phạm theo các chuyên đề xe ôtô khách vi phạm; xe môtô vi phạm; tập trung xử lý các hành vi, như điều khiển xe chạy quá tốc độ, điều khiển xe ôtô sau khi sử dụng rượu bia; chở quá số người quy định; tránh, vượt sai; đi không đúng phần đường, làn đường; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô xe máy...
Tiếp tục huy động lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng Cảnh sát khác như Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT từ cấp cơ sở. Phối hợp tổ chức khảo sát xác định các “điểm đen” về TNGT, các điểm ùn tắc giao thông, các bất hợp lý về tổ chức giao thông để kiến nghị ngành Giao thông khắc phục.
Bố trí lực lượng phù hợp để phòng ngừa, giải toả ùn tắc giao thông; đồng thời tập hợp kiến nghị với ngành giao thông phân luồng phân tuyến, tổ chức giao thông, rà soát cắm biển báo cho phù hợp. Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp về xây dựng lực lượng CAND, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nươớc quên thân, vì dân phục vụ" và Chương trình hành động "Xây dựng phong cách người Cảnh sát nhân dân vì nhân dân phục vụ", kiểm tra, chấn chỉnh, phòng ngừa ngăn chặn tình trạng sai phạm, tiêu cực.
|
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường các đợt cao điểm |
Không có sự phân biệt đối xử giữa xe biển xanh và biển trắng
Phóng viên: Trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, việc quản lý các phương tiện giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, xin đồng chí cho biết, việc cấp biển số để quản lý các phương tiện giao thông hiện nay được thực hiện như thế nào?
Trung tướng Cao Xuân Hồng: Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, những năm qua, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giảm bớt phiền hà cho các doanh nghiệp và nhân dân trên lĩnh vực quản lý trật tự an toàn giao thông.
Việc đăng ký, cấp biển số để quản lý các phương tiện cơ giới đường bộ thực hiện theo Thông tư số 06/2009/TT - BCA(C11) ngày 11/3/2009 của Bộ Công an; trong đó phân cấp, tăng thẩm quyền cho Công an các địa phương. Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt cấp giấy đăng ký, biển số xe của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài trong cơ quan, tổ chức đó; một số cơ quan Trung ương; xe của Bộ Công an; các xe khác có sự phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Việc phân cấp, tăng thẩm quyền cho Công an địa phương và phân loại đăng ký, cấp biển số cho các phương tiện cơ giới đường bộ nhằm phục vụ cho việc quản lý của cơ quan chức năng và tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho cơ quan, tổ chức và nhân dân, không có sự phân biệt đối xử giữa các xe mang biển số công và xe tư nhân.
Các phương tiện sau khi đăng ký, cấp biển số, đều có quyền bình đẳng khi tham gia giao thông, như qua cầu phà và các quy định về đảm bảo TTATGT, trừ xe ngoại giao, xe có gắn còi đèn ưu tiên. Việc cấp biển số xe cơ giới đường bộ được thực hiện bằng hình thức bấm chọn số ngẫu nhiên, nhằm hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 06 đã đạt được những kết quả tích cực, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đang đề xuất Bộ Công an sửa đổi Thông tư 06 theo hướng giảm tối đa các thủ tục không cần thiết để phục vụ nhân dân, cơ quan, tổ chức được tốt hơn.
Phóng viên: Vừa qua báo chí đưa tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương có xem xét, kết luận về việc cấp biển số 80B cho xe của một doanh nghiệp Nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh, ý kiến của đồng chí về vấn đề này thế nào?
Trung tướng Cao Xuân Hồng: Theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng tôi đã cho kiểm tra, sự thực có việc đó. Nhưng việc đăng ký và cấp biển số 80B cho xe trên, doanh nghiệp đó có công văn đề nghị và có ý kiến của cơ quan chức năng quản lý, theo tôi là phù hợp với quy định của Thông tư 06/2009/TT-BCA(C11) ngày 11/3/2009 của Bộ Công an (mục 2.1.1).
Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt và Công an các địa phương có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong khâu đăng ký, cấp biển số cho các phương tiện cơ giới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đồng thời phục vụ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ngày càng tốt hơn nữa.
Phóng viên: Xin cảm ơn Đồng chí Trung tướng./.
Biên tập theo Chinhphu.vn