Sản phẩm, hàng hóa nào có khả năng gây mất an toàn?
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xây dựng Thông tư quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT (gọi chung là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), thay thế Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 06/12/2016.
Theo đó, Bộ này dự kiến sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT gồm 02 (hai) phụ lục: Phụ lục 1: Danh mục sản phẩm, hàng hóa, mã số HS hàng hóa, sản phẩm nhóm 2 bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy; Phụ lục 2: Danh mục sản phẩm, hàng hóa, mã số HS nhóm 2 bắt buộc phải công bố hợp quy.
Trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy gồm, ở lĩnh vực chất lượng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng, danh mục ô tô có: Ô tô đầu kéo, ô tô kéo rơ moóc, ô tô khách, ô tô chở người trong sân bay, ô tô khách kiểu limousine, ô tô cứu thương, ô tô nhà ở lưu động, ô tô con kiểu limousine, ô tô chở phạm nhân, ô tô tang lễ, ô tô tải, ô tô được thiết kế chủ yếu để chở hàng (ô tô tải tự đổ, ô tô tải đông lạnh, ô tô chở rác, ô tô xi téc…), ô tô dành cho người khuyết tật điều khiển.
Trong danh mục “xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và xe đạp máy” có xe mô tô, xe gắn máy xe đạp điện và xe đạp máy (kể cả loại có thùng xe bên cạnh) và xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và xe đạp máy dành cho người khuyết tật điều khiển…
Trong danh mục “xe bốn bánh có gắn động cơ” có xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, loại chở dưới 10 người kể cả người lái bao gồm cả xe chơi golf (golf car, golf buggies) và loại chở từ 10 người trở lên kể cả người lái.
Ngoài ra, trong danh mục “xe máy chuyên dùng” có xe nâng hàng và xe nâng người, xe kéo, đẩy máy bay, xe kéo hàng hóa, hành lý trong sân bay…
Xe không tham gia giao thông có nhất định phải chứng nhận hợp quy?
Góp ý Dự thảo Thông tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, theo Phụ lục 1 của Dự thảo Thông tư thì một số loại xe có gắn động cơ (phương tiện) nhưng không tham gia giao thông (loại xe chỉ chạy trong nhà hoặc các khu khuôn viên, sân vườn như xe chơi golf, xe nâng hàng, xe chở hàng trong nhà máy, xe quét, chà sàn…) vẫn thuộc đối tượng phải chứng nhận và công bố hợp quy.
Các chuyên gia pháp luật của VCCI và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, những loại xe này vẫn có nguy cơ mất an toàn, nhưng trong trường hợp có thiệt hại thì cũng chỉ diễn ra trong phạm vi quy mô nhỏ, xác định. Bởi, mỗi khu nhà, khuôn viên, sân vườn đó luôn có chủ sở hữu quản lý (khác với đường bộ là nơi công cộng) và chủ sở hữu sẽ có động lực để kiểm soát, bảo đảm an toàn cho những phương tiện được sử dụng trong khu vực của mình.
Chính vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chuyển các loại phương tiện không tham gia giao thông từ Phụ lục 1 sang Phụ lục 2 của Dự thảo, để doanh nghiệp tự công bố hợp quy là đủ.
Tương tự, tại Mục 3.1 của Phụ lục 1 Dự thảo quy định xe đạp điện thuộc đối tượng phải kiểm tra trước thông quan. Theo QCVN 68:2013/BGTVT thì vận tốc tối đa của xe đạp điện là 25km/h. Vận tốc này thậm chí còn thấp hơn vận tốc tối đa của xe đạp thông thường nên nguy cơ gây mất an toàn giao thông tương đối thấp. Trong khi đó, xe đạp thông thường không thuộc diện phải chứng nhận hợp quy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét loại bỏ xe đạp điện ra khỏi diện phải chứng nhận hợp quy.