Xe hơi “chiếm” đất “trồng người”

Tại nhiều trường phổ thông ở Hà Nội, các bậc phụ huynh sáng đưa con đi học đều thấy đoàn “xế hộp” rồng rắn kéo nhau ra khỏi cổng trường. Ban đầu họ nghĩ phụ huynh đưa con đi học, ngày thường thì cứ ngỡ trường có hội thảo, họp hành. Song không phải vậy, khi mà nhà nhà mua xe hơi thì nơi gửi xe đã được trưng dụng mọi nơi, kể cả sân trường.

Tại nhiều trường phổ thông ở Hà Nội, các bậc phụ huynh sáng đưa con đi học đều thấy đoàn “xế hộp” rồng rắn kéo nhau ra khỏi cổng trường. Ban đầu họ nghĩ phụ huynh đưa con đi học, ngày thường thì cứ ngỡ trường có hội thảo, họp hành. Song không phải vậy, khi mà nhà nhà mua xe hơi thì nơi gửi xe đã được trưng dụng mọi nơi, kể cả sân trường.

Từ phổ thông

Việc các cơ quan, công sở trở thành bãi trông xe về đêm không còn là chuyện lạ. Trên các diễn đàn mạng hiện nay không hiếm những thông tin mách nhau nên gửi xe ở trường học này, nhà văn hóa kia... khi có người cần tư vấn về chỗ đậu xe. 

Một quang cảnh tại ĐH Xây dựng.

Giá trông xe ở các địa điểm này thường là do thỏa thuận hoặc tùy thuộc giá trị của từng chiếc xe, dao động 500.000-800.000 đồng/tháng/xe cho những nơi để xe ngoài trời và 800.000-1,5 triệu đồng/tháng/xe nếu có mái che.

Sáng sớm, dạo một vòng quanh một số trường tại Hà Nội, không hiếm cảnh các “xế hộp” ùn ùn kéo nhau ra khỏi sân trường. Các trường ở ngoại thành, đất rộng nên càng có nhiều cơ hội thành bãi giữ xe. Khoảng sân sau của Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) vài năm nay thường xuyên xuất hiện vài chục ô tô. Có chiếc phủ bạt kín nằm cả ngày lẫn đêm. Khi được hỏi muốn gửi xe, bảo vệ của trường phát giá: Muốn gửi xe thì phải tuân thủ nội quy của trường, hàng ngày 6-7h phải lấy xe ra, 18h đến 23h đánh xe về bãi. Giá trông giữ mỗi tháng là 600.000 đồng/xe, nếu ô tô đắt tiền thì giá khác.

Tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy), hàng chục ô tô đậu san sát ngay cạnh khu vui chơi của học sinh. Nhiều khi nhà để xe máy dành cho giáo viên tại trường cũng trở thành nơi để ô tô. Trường THPT Chu Văn An (Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cũng trưng dụng khu sân phía đằng sau dãy phòng học hai tầng làm bãi trông giữ xe và rửa ô tô, xe máy.

Đến các ĐH

Nếu như các trường phổ thông còn e dè nhìn trước ngó sau thì tại các trường ĐH, hầu như sân trường nào cũng đầy ắp ô tô. Khi được hỏi, các trường đều cho rằng đó là xe của giảng viên. Nhưng qua điều tra của phóng viên thì phần lớn là xe gửi. Vì xe của giảng viên thì không thể bụi dày hàng phân, để cả ngày cả đêm, cả ngày nghỉ lẫn ngày làm việc.

Ô tô đỗ san sát tại sân ĐH Ngoại thương.

Tại ĐH Bách khoa, khoảng sân phía trước thư viện Tạ Quang Bửu ken đặc ô tô đỗ san sát, chỉ chừa đường đi. Thậm chí, phía trong cổng trường còn có cả taxi đỗ. Tại ĐH Kinh tế quốc dân, tình trạng cũng tương tự. Thậm chí ô tô chắn hết lối vào giảng đường của sinh viên.

ĐH Xây dựng cũng không kém cạnh. ĐH này hiện chỉ rộng 4ha nhưng đang đào tạo tới 19.000 sinh viên chính quy, chưa kể các hệ khác. Sân chơi của sinh viên đang ngày càng bị thu hẹp bởi các bãi gửi xe đạp, xe máy của sinh viên và bây giờ còn bị “xẻ thêm tí thịt” cho bãi gửi xe ô tô.

Trước cửa khu giảng đường, dù đã cấm để tất cả các loại phương tiện nhưng vẫn có ô tô đỗ chình ình. Ông Lê Văn Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết đó là xe của giảng viên. Có những người nhà ở gần trường, họ tiện thể gửi xe luôn cả đêm. Ông Thành cũng không ngần ngại khẳng định nếu không cho giảng viên đi xe, họ sẽ... không đi dạy.

Cũng vì “xế hộp” mà sân chơi của sinh viên tại các trường ĐH đang bị thu hẹp. Một sinh viên tại một trường cho biết trong thời gian gần đây, sân bóng đá và sân bóng rổ của trường được sử dụng với mục đích làm bãi trông giữ xe trong khi đó khuôn viên bên ngoài cũng trông giữ rất nhiều ô tô. Tất nhiên, khu vực vỉa hè xung quanh các trường cũng được kinh doanh triệt để. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội hay ĐH Kinh tế quốc dân, khu vực vỉa hè trên đường Trần Địa Nghĩa không còn một chỗ trống, tất cả đều được biến thành bãi đỗ ô tô.

Sân ký túc xá Mễ Trì (Đại học Quốc gia Hà Nội) trên đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) từ nhiều năm nay cũng biến thành bãi đỗ ô tô của nhiều người. Khu vực cho xe đỗ được sơn kẻ ô rõ ràng nằm trước thư viện của ký túc xá, có thể chứa gần trăm chiếc xe.

Đại diện Ban Quản lý ký túc xá cho rằng việc trông xe, thu tiền do các nhân viên bảo vệ đứng ra làm việc với chủ xe, ban quản lý không tổ chức. Mỗi khi cần sử dụng khuôn viên cho các hoạt động của sinh viên, bãi xe này bị giải tán.

Như vậy, quỹ đất của các trường dành cho sinh viên vốn đã eo hẹp, giờ sinh viên lại phải chia cho “xế hộp”. Nhưng có lẽ, không có trường nào dám nói không với dịch vụ này?.

Uyên Na

Đọc thêm