Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, hiện trên địa bàn có gần 5,7 triệu xe gắn máy các loại, trong đó có tới gần 50% số xe đã sử dụng lâu năm. Thậm chí, có những chiếc xe nguồn gốc từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông dù không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật, là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Khí thải từ các phương tiện đặc biệt là phương tiện cũ nát bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí ô xít các bon (CO), hiđrô các bon (HC), các dạng ô-xít nitơ (NOx) và các chất khác gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất ô nhiễm này trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm luật giao thông hàng ngày, nhiều trường hợp xe cũ nát không có giấy tờ, không có biển kiểm soát, gắn biển giả… Bên cạnh đó, phần lớn chủ xe là người lao động nghèo, chở hàng thuê, nên lực lượng chức năng khó xử phạt. Thậm chí nhiều trường hợp chấp nhận bị giữ xe và bỏ luôn, vì không có tiền nộp phạt.
Ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều chiếc xe máy cũ nát, "hết đát", chỉ còn trơ bộ khung, mờ biển số hoặc thậm chí là không biển số... vẫn vô tư lưu thông trên đường. Đáng chú ý, trên các tuyến đường như Đê La Thành (Đống Đa), Hoàng Hoa Thám (Ba Đình)... rất nhiều chiếc xe máy cũ nát tự chế được tận dụng làm xe chở hàng nặng, cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người tham gia giao thông khác.
Ngày 18/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, trong đó, giao UBND TP Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ ô nhiễm không khí cao thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương. Thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; phát triển giao thông phi cơ giới. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Bộ đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Xung quanh công tác này, Sở TN&MT, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, đổi xe gắn máy cũ lấy xe mới đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô.
Các xe cũ khi kiểm tra có lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép, chủ xe sẽ được vận động để “đổi cũ lấy mới”. Chủ xe có thể chọn mua xe của bất cứ hãng nào trong số 5 thương hiệu thuộc VAMM (gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM) và sẽ được chính hãng đó hỗ trợ chi phí từ 2 - 4 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị xe khách mua, với điều kiện phải để lại xe máy cũ. Tuy nhiên thực tế cho thấy người dân vẫn chưa mặn mà với chương trình này do tiền hỗ trợ thấp trong khi đó giá trị một chiếc xe máy mua mới tương đối cao...
Hình ảnh ghi nhận ngày 18/11 trên một số tuyến phố Hà Nội: