Xe máy nội sẽ ra sao nếu phương tiện cá nhân bị hạn chế?

(AutoNet) - Không chỉ “thất thế” trên thị trường xe gắn máy trong năm qua, mà lượng xe bán ra của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cũng rơi vào tình trạng ế ẩm...

Không chỉ “thất thế” trên thị trường xe gắn máy trong năm qua, mà lượng xe bán ra của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Tuy nhiên, bên cạnh thách thức để sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì vấn đề quan trọng hiện nay là hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này sẽ như thế nào nếu phương tiện cá nhân bị hạn chế?

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Cường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sufat Việt Nam xung quanh nội dung nêu trên.

- Ông đánh giá như thế nào về sự giảm sút doanh số của các công ty sản xuất xe máy trong nước thời gian qua. Phải chăng đây là dấu hiệu của sự đi xuống?

Thị trường Việt Nam với hơn 80 triệu dân, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hoá cao, hạ tầng được mở rộng vì vậy nhu cầu sử dụng xe gắn máy cũng ngày càng phát triển. Sự giảm sút doanh số của các công ty sản xuất xe gắn máy trong thời gian qua không chứng minh được nền công nghiệp sản xuất xe gắn máy đi xuống mà chỉ ra rằng thị trường đòi hỏi sản phẩm xe máy khắt khe hơn về chất lượng, mẫu mã, giá thành, đồng thời, các công ty có đầu tư đúng đắn vào sản phẩm sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị ttường.

- Với sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO từ ngày 11/01/2007, ngành Công nghiệp ôtô - xe máy trong nước đã bước vào một thời kỳ hội nhập đầy khó khăn và thách thức. Vậy các nhà sản xuất trong nước sẽ làm gì để thích nghi với tình hình mới này?

Chúng tôi luôn đặt mình vào tư thế chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, sản phẩm và thị trường trong nhiều năm qua. Thực tế đã chứng minh điều này sau hơn 10 năm kể từ ngày thành lập, sản phẩm của Sufat Việt Nam đã phải cạnh tranh với các công ty liên doanh lớn của nước ngoài và có vị thế vững chắc trên thị trường. Các sản phẩm mà chúng tôi đã thiết kế cho người Việt Nam đều phù hợp với kiểu dáng, địa hình, thời tiết và giá thành đủ năng lực cạnh tranh cùng các hãng nước ngoài và liên doanh tại VN.

Chúng tôi cho rằng khi hội nhập, mạng lưới phân phối sẽ đóng vai trò quan trọng, vì vậy chúng tôi luôn phấn đấu mở rộng mạng lưới bán hàng và chăm sóc khách hàng trên toàn quốc cũng như nước ngoài đặc biệt là thị trường châu Phi.

- Vừa qua, liên ngành Công an TP. Hà Nội và Sở GTCC HN có đưa ra bản kiến nghị với 19 điểm trình UBND TP. Hà Nội nhằm hạn chế tình trạng ùc tắc và tai nạn giao thông trong đó có đề nghị về việc hạn chế  phương tiện cá nhân và tăng cường giáo dục về giao thông ngay trong trường học… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi không nên hạn chế phương tiện cá nhân, bởi đây là nhu cầu hợp pháp của mỗi công dân, tuy nhiên theo tôi có thể tăng việc thu các khoản phí và lệ phí trước bạ với xe máy đăng ký mới. Có thể chia làm hai mức áp dụng tại khu vực nông thôn và thành thị. Giả sử mỗi năm, cứ thu thuế trung bình là 2 triệu đồng/xe trên tổng số 2 triệu xe máy được đưa vào lưu thông trên thị trường thì cũng có khoảng gần 4.000 tỉ được đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước. Số tiền này, Nhà nước để dùng vào việc nâng cấp giao thông nội đô, nội thị và tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông. Hoặc chúng ta có thể đưa quy định thời hạn sử dụng của xe máy nhằm loại trừ các xe máy không đủ điều kiện lưu hành có thể gây tai nạn.

Phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và các vấn đề về giao thông là do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. Tôi ủng hộ các biện pháp tăng cường giáo dục về an toàn giao thông ngay trên ghế nhà trường và xử lý nghiêm vi phạm giao thông vì có như vậy mới tạo được ý thức chấp hành và tuân thủ theo luật của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

- Theo ông, các nhà sản xuất xe máy trong nước cần phải làm gì để chung tay cùng các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề về giao thông?

Theo tôi, việc trước mắt là các nhà sản xuất xe máy trong nước cần chấp hành tốt quy định, định hướng về sản xuất xe gắn máy, bám sát định hướng phát triển ngành của Bộ Công nghiệp. Bên cạnh đó, cũng phải luôn thực hiện việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng khi lưu thông giao thông nhằm giảm những rủi ro khách quan gây nên.

Cụ thể, là khi khách hàng mua xe thì phải được hướng dẫn sử dụng xe an toàn đi đôi với việc tặng kèm mũ bảo hiểm và khuyến khích khách hàng đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ngoài ra, thời điểm này theo tôi nên thực hiện việc gắn thiết bị cảnh báo tốc độ trên đồng hồ xe và thiết bị báo có tín hiệu điện thoại di động nhằm nhắc nhở ý thức của người điều khiển xe.

- Vậy ông nhận định thế nào về ngành Công nghiệp sản xuất xe gắn máy trong thời gian tới?

Với định hướng của Chính phủ và Bộ Công nghiệp, tôi cho rằng, nền công nghiệp sản xuất Việt Nam đang dần ổn định và phát triển theo chiều sâu. Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO sẽ là cú huých tích cực vào ngành Công nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các doanh nghiệp của Việt Nam đưa sản phẩm xe máy Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển bền vững của nền công nghiệp sản xuất và lắp ráp xe máy Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

  • Duy Anh

Đọc thêm