Hoạt động suốt ngày đêm
Trên tuyến đường huyết mạch tỉnh lộ 523 nối huyện Thạch Thành với quốc lộ 1, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện qua lại. Nhưng tình trạng xe quá tải, quá khổ không đảm bảo an toàn luôn luôn là nỗi thường trực gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Có mặt tại một đoạn đường thuộc tỉnh lộ 523, trong vòng chưa đến 30 phút, PV dễ dàng nhìn thấy hàng loạt xe tải, xe công nông chuyên chở nông sản, lâm sản, vật liệu xây dựng không bảo đảm an toàn như: nhiều xe cũ nát, không có đèn tín hiệu, chở quá tải, không có bạt che chắn theo quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, để rơi vãi vật liệu xuống đường, gây ô nhiễm môi trường.
Oằn mình dưới sức nặng của hàng trăm lượt xe quá tải, quá khổ nhiều đoạn trên tuyến đường này bị hư hỏng nghiêm trọng. Những đoạn này mặt đường lồi lõm, những ổ voi, ổ trâu xuất hiện liên tục tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) rất cao.
Còn tại tuyến đường mòn Hồ Chí Minh (HCM), đoạn đi qua khu vực hai huyện Cẩm Thuỷ và huyện Thạch Thành, tình trạng xe chở mía, keo, tràm vi phạm các quy định về luật giao thông đường bộ như chở quá chiều cao, chiều dài cho phép luôn xuất hiện.
Theo phản ánh của anh Phạm.V.D – người dân sống tại xã Thạch Quảng (Thạch Thành): “Hàng năm cứ vào vụ thu hoạch mía, keo, tràm, đường mòn HCM lại trở nên đông đúc hơn bởi hàng nghìn lượt xe chở nông sản lưu thông. Có những xe chất mía, keo, tràm cao hơn so với thành thùng gấp 3 -4 lần mà vẫn cứ băng băng đi qua mà không bị cơ quan chức năng xử lý”.
Cũng theo anh D, tại thời điểm vụ thu hoạch, không chỉ ban đêm mới xảy ra tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động mà còn xuất hiện cả ban ngày bất chấp lưu lượng giao thông lớn tại các khu vực đông dân cư. Thế nhưng, tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay mà chưa được xử lý.
Theo quan sát, các tuyến như quốc lộ 45 và tỉnh lộ 522 tình trạng xe chở quá khổ, xe chở quá chiều cao, chiều dài hoạt động với tần suất lớn. Thậm chí nguy hiểm, có những xe chở mía do chất quá cao nên khi xe vừa đi thì mía vừa rơi xuống đường.
Những cây mía bị rơi, phi thẳng vào những chiếc xe đi ngược chiều luôn là nỗi sợ hãi của những người dân thường xuyên phải di chuyển qua đây. Còn đối với các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh… nơi người dân chủ yếu sống bằng các loại cây nông lâm sản, tình trạng xe quá tải, quá khổ đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhiều con đường đã hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng.
Cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng
Việc xe quá khổ, quá tải tung hoành ở các huyện miền núi Thanh Hoá không chỉ mới xuất hiện mà đã được phản ánh từ lâu. Nhưng không hiểu sao, sau nhiều năm ra quân xử lý xe quá tải, xe cơi nới thành thùng nhưng nơi đây vẫn tràn ngập xe quá tải, xe cơi nới thành thùng.
Việc chấm dứt tình trạng này không thể “một sớm, một chiều” nhưng nếu các cơ quan chức năng chỉ làm theo kiểu “ra quân cho có” hoặc “bắt cóc bỏ đĩa” mà không kiên quyết ngăn chặn, xử lý một cách đồng bộ thì tình trạng trên sẽ mãi không bao giờ được giải quyết.
Cùng với đó, sự phối hợp của các cơ quan liên quan như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Thanh tra Cục Quản lý đường bộ và các quận, huyện có tình trạng xe quá khổ, quá tải hành hoành cần phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc.