Grab, Uber “kéo” hàng chục hãng taxi ứng dụng công nghệ
Theo Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện tại có 04/05 địa phương chính thức tham gia thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động vận tải (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ GTVT) gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh (Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm). Có tổng cộng 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử triển khai các Đề án thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Tính đến cuối tháng 04/2018, có 491 đơn vị vận tải (DN, hợp tác xã vận tải) với 42.106 phương tiện tham gia thí điểm.
Không thể phủ nhận nhiều ưu thế của việc ứng dụng CNTT hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách. Nhà nước quản lý được các phương tiện tham gia kinh doanh, quản lý được việc thực hiện nghĩa vụ thuế và đáp ứng được xu thế tất yếu trong ứng dụng khoa học công nghệ đối với lĩnh vực vận tải.
Trong khi đó, hành khách cũng được hưởng nhiều thuận lợi: lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe, chia sẻ giám sát chuyến đi khi khách hàng muốn sử dụng nhằm nâng cao an toàn cho hành khách, thời gian chờ đợi ngắn và được đón chính xác theo địa điểm yêu cầu. Từ khi có ứng dụng này đã thu hút được nguồn đầu tư từ các DN, hợp tác xã vận tải từ đó tăng số lượng phương tiện cũng có nghĩa là tăng nguồn cung cấp dịch vụ; điều này rất có lợi cho người dân và hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn, được sử dụng dịch vụ tốt hơn và giá dịch vụ hợp lý hơn cho mỗi chuyến đi.
Còn các DN, hợp tác xã ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát đối với lái xe, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Đến nay có 10 ứng dụng được chính thức hoạt động. Các ứng dụng phần mềm được triển khai tại Việt Nam đã góp phần vào việc thay đổi chất lượng dịch vụ của hoạt động taxi. Các đơn vị taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công, GroupTaxi, VicTaxi, Taxi Long Biên, SunTaxi, Taxi Phúc Xuyên, …cũng đã đầu tư công nghệ phần mềm và đưa vào hoạt động. Ngoài ra, một số đơn vị kinh doanh taxi đã và đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ trong điều hành taxi và tính cước vận tải thông qua phần mềm.
Tuy nhiên, việc số lượng phương tiện tham gia ứng dụng CNTT tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường lại đặt ra khó khăn trong công tác quản lý tổ chức giao thông.
Hiện nay chưa có chế tài để xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Grab mà chỉ có thể tăng cường xử lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia Grab nếu có vi phạm. Sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử với kinh doanh vận tải bằng taxi kết hợp với công tác tổ chức phân luồng giao thông còn chưa hợp lý đối với hoạt động taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ hiệp hội taxi và phản ứng từ đơn vị kinh doanh vận tải taxi.
Tìm cách không “phân biệt đối xử” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ
Trong Dự thảo Nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô mà Bộ GTVT đang xây dựng, Bộ này đề xuất quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi theo hướng rõ ràng đơn giản hóa và bỏ bớt một số nội dung quy định nhằm tạo thuận lợi cho DN trong tổ chức hoạt động, đồng thời bổ sung quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (trong Dự thảo được gọi là “Taxi điện tử”), dù đây là hoạt động chưa có quy định tại Luật Giao thông đường bộ, nhằm tạo thuận lợi cho DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ.
Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung quy định xe taxi có hộp đèn với chữ “TAXI ĐIỆN TỬ” gắn cố định trên nóc xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT. Trên xe phải có thiết bị đã được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách; đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin về DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả (VND).
Dự thảo cũng bổ sung quy định DN, hợp tác xã chỉ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.