“Xem” đàn lợn ốm, bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Cách đây 2 ngày, chị Bé sang chơi nhà em trai, đúng lúc nhà em có đàn lợn ốm phải bán tháo, chị chỉ ghé qua chuồng lợn xem đàn lợn ốm. Hôm sau, chị sốt đùng đùng, toàn thân mọc rất nhiều ban xuất huyết hoại tử, phải nhập viện cấp cứu.

Cách đây 2 ngày, chị Bé sang chơi nhà em trai, đúng lúc nhà em có đàn lợn ốm phải bán tháo, chị chỉ ghé qua chuồng lợn xem đàn lợn ốm. Hôm sau, chị sốt đùng đùng, toàn thân mọc rất nhiều ban xuất huyết hoại tử, phải nhập viện cấp cứu.

Sáng qua (25/5), bệnh nhân Nguyễn Thị Bé (55 tuổi ở Tiên Lữ, Hưng Yên) được đưa đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, toàn thân tím lựng như quả mận do những nốt ban hoại tử to đùng, xuất hiện từ đỉnh đầu tới gót chân.

Chị Bé cho biết, nhà chị có nuôi một con lợn nái nhưng con lợn đến nay hoàn toàn khỏe mạnh. Bản thân chị lâu nay không hề ăn thịt lợn, vì tận mắt chứng kiến ở quê, nhiều hộ gia đình cứ lợn ốm là bán tháo. Chỉ có lần duy nhất tiếp xúc với lợn ốm là sang nhà cậu em trai, đúng lúc nhà em này bán cả đàn lợn ốm.

Mô tả ảnh.

Các ban hoại tử xuất hiện nhiều trên toàn thân, từ mặt, đầu tới chân bệnh nhân (Ảnh: H.Hải)

BS.ThS Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực (Viện các bệnh nhiệt đới quốc gia) cho biết, bệnh nhân này bị sốc nhiễm trùng nặng, huyết áp tụt nên ngay lập tức đã phải dùng thuốc vận mạch để tăng và duy trì huyết áp. Đến thời điểm này, bệnh nhân vẫn còn sốt, huyết áp vẫn chưa ổn định, và các bác sĩ cũng không thể tiên lượng được diễn tiến bệnh trong những ngày tiếp theo, bệnh nhân sẽ bị tổn thương những tạng nào.

Hiện tại bệnh nhân bị tê, đau chân rất nhiều. Các bác sĩ đang lo lắng trước khả năng tình trạng co mạch, sẽ dẫn đến hoại tử chân, ngón chân. Mẫu bệnh phẩm bệnh nhân này cũng đã được lấy để xét nghiệm liên cầu khuẩn lợn, tuy nhiên các triệu chứng thực thể rất rõ ràng là bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Theo BS Cấp, người nông dân khi thấy lợn ốm không nên bán tháo mà cần báo thú y để kịp thời khoanh vùng dịch. Việc bán lợn ốm này (rất có thể con lợn bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi do liên cầu khuẩn lợn) khiến bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người có nguy cơ lây lan do việc giết mổ, ăn thịt lợn bệnh.

Như vậy, đây là bệnh nhân thứ 21 bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn nhập viện các bệnh nhiệt đới quốc gia kể từ đầu năm đến nay. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới, là những người trực tiếp tiếp xúc mổ, chăn nuôi lợn và nhập viện trong tình trạng rất nặng. Các bệnh nhân đến từ các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ.

Theo Hồng Hải
Dân Trí

Đọc thêm