Xếp hạng tín dụng có phải “tem bảo hành” doanh nghiệp?

Việc xếp hạng tín dụng của khách hàng giúp nhà băng có thể đánh giá cơ bản về mức độ rủi ro, sàng lọc được khách hàng tốt để ra quyết định cấp tín dụng. Tuy nhiên, khi việc xếp hạng còn mang tính cảm tính, thì kết quả xếp hạng sẽ mang lại hiệu ứng như thế nào?.

Việc xếp hạng tín dụng của khách hàng giúp nhà băng có thể đánh giá cơ bản về mức độ rủi ro, sàng lọc được khách hàng tốt để ra quyết định cấp tín dụng. Tuy nhiên, khi việc xếp hạng còn mang tính cảm tính, thì kết quả xếp hạng sẽ mang lại hiệu ứng thế nào?.

Kết quả xếp hạng tín dụng chính xác là cơ sở quan trọng để đánh giá tính thanh khoản của nền kinh tế. Ảnh minh họa: Trần Việt

Cơ sở để tránh rủi ro

Nói về xếp hạng tín dụng đối với DN, ông Nguyễn Văn Tuân – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - cho biết, hoạt động này giúp ngân hàng có thể đánh giá cơ bản về mức độ rủi ro, sàng lọc được khách hàng tốt để ra quyết định cấp tín dụng.

“Tại Vietcombank, dựa vào bảng xếp hạng các khách hàng do chúng tôi tự xây dựng nên vừa qua khi gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành cho DN được tung ra, chúng tôi đã định danh luôn khách hàng được vay. Do đó hiện gói tín dụng này đã giải ngân gần hết” - ông Tuân cho biết.

Còn TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank - chia sẻ, hoạt động tín dụng chiếm 50 - 70% tổng thu nhập của ngân hàng, song cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro. Rủi ro này hoàn toàn có thể giảm thiểu, nếu các ngân hàng thực hiện tốt khâu “phòng bệnh”, tức là sàng lọc khách hàng từ trước khi cấp tín dụng.

Không chỉ xác định mức độ tín nhiệm để dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng, được xếp hạng tín dụng cao cũng giúp DN thuận lợi hơn trong giao dịch làm ăn. Bà Nguyễn Thị Điền – Tổng giám đốc Công ty TNHH may thêu An Phước - cho hay, việc xếp hạng tín dụng công khai giúp các DN tránh rủi ro trong việc chọn đối tác, bởi “các DN nước ngoài khi tìm đối tác Việt Nam rất quan tâm vấn đề xếp hạng tín dụng, do đó, việc công khai những thông tin này giúp đối tác chủ động tìm đến với DN Việt”. Như vậy, chính các nhà đầu tư cũng tìm được “địa chỉ” đầu tư thông qua bảng xếp hạng tín dụng.

Trong bảng xếp hạng Top 1.000 DN Việt Nam năm 2012 có kết quả xếp hạng tín dụng tốt nhất vừa được Trung tâm thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại Hội thảo “Đánh giá tác động xếp hạng tín dụng đối với hoạt động ngân hàng và DN Việt Nam". 

Theo đó, đã có 277 DN ở 35 ngành nghề, thuộc quy mô trung bình và lớn, đạt hạng ưu (từ AA đến AAA) và 723 DN đạt hạng khá tốt (từ BB đến A).  “Chúng tôi mong muốn các tổ chức tín dụng tăng cường khai thác dịch vụ xếp hạng tín dụng này để phát hiện sớm các khách hàng có dấu hiệu rủi ro”, ông Nguyễn Hữu Đương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng – cho hay.

Đánh giá còn cảm tính

Dưới góc độ khoa học, PGS. TS Nguyễn Thị Mùi – Giám đốc Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng việc xếp hạng tín nhiệm của DN rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, hiện việc đánh giá tín nhiệm ở Việt Nam đa phần là sử dụng phương pháp chuyên gia nên còn mang tính chủ quan, dựa theo cảm tính.

“Khởi nguồn của những hạn chế này là hiện Ngân hàng Nhà nước thiếu khung để hỗ trợ các nhà băng. Các ngân hàng thậm chí dựa vào ‘khẩu vị’ của mình để xây dựng tiêu chí xếp hạng DN” - bà Mùi nói.

Ông Nguyễn Xuân Đồng – thành viên Hội động thành viên Agribank cũng cho rằng vì chưa có chế tài bắt buộc các DN phải công khai thông tin giúp các tổ chức xếp hạng có đánh giá hiệu quả nhất, nên chất lượng thông tin đầu vào của hệ thống xếp hạng còn thấp.

Ông Đặng Thanh Bình - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – đánh giá rằng, việc xếp hạng tín dụng cho các ngân hàng và DN sẽ giúp quan hệ tín dụng ngày càng trở nên tích cực hơn. Đồng thời, hoạt động này cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cơ sở để đánh giá tính thanh khoản của nền kinh tế, đo lường tính hiệu quả của đường lối… Vì thế, để công tác xếp hạng tín dụng đạt được hiệu quả thì cơ quan chức năng cũng như DN phải tăng cường tính minh bạch về mặt thông tin và chất lượng xếp hạng tín dụng.

Thực thế, tại Việt Nam mới có vài trung tâm, tổ chức xếp hạng tín dụng và còn khá non trẻ, chưa đủ thời gian để xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu thật sự đủ lớn, đa dạng, có chất lượng và được chấp nhận rộng rãi, cũng như chưa hội tụ được những chuyên gia phân tích có kinh nghiệm, chuyên sâu. Vì thế, dù xác định rõ vai trò quan trọng của công tác xếp hạng tín dụng, nhưng trong nhiều trường hợp, kết quả này không đủ sức thuyết phục, và ngân hàng vẫn đánh giá DN dựa trên cơ sở xếp hạng nội bộ của mình.

Bách Nguyễn

Đọc thêm