Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 4/5, Việt Nam đã trải qua 18 ngày không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Ngày 3/5 ghi nhận thêm 1 ca mắc mới (trường hợp này thuộc diện tái dương tính) là bệnh nhân nam số 271, 37 tuổi, quốc tịch Anh, là chuyên gia của Tập đoàn Dầu khí được nhập cảnh để thực hiện dự án kinh tế.
Trước đó, trường hợp bệnh nhân T.N.K, sinh năm 1982, quê Nghệ An có kết quả xét nghiệm ban đầu (test nhanh) dương tính với virus SARS-CoV-2, tình trạng lâm sàng ban đầu là sốt, có khó thở, đau mỏi người đã khiến không ít người hoang mang, lo lắng về nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng.
Đến chiều ngày 2/5, kết quả xét nghiệm Realtime PCR của bệnh nhân này lại là âm tính. Hiện, bệnh nhân được hồi sức, thở oxy, điều trị theo hướng sốt xuất huyết Dengue bội nhiễm. Không chỉ ở Việt Nam, mà tình trạng kết quả xét nghiệm Sars-CoV-2 cho kết quả lẫn lộn thời gian qua xuất hiện tại nhiều nước có dịch Covid-19.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Bộ Y tế cho rằng: “Việc kéo dài thời gian theo dõi người đã điều trị khỏi và xuất viện như vậy là rất tốt. Bởi vì khi xét nghiệm lại chúng ta có thể biết rằng những trường hợp đó đã âm tính thực sự hay chưa để có những giải pháp phòng bệnh một cách phù hợp cho cộng đồng. Thứ hai, tôi cũng thấy rằng việc kéo dài thời gian theo dõi này rất tốt cho việc chúng ta nghiên cứu, tổng kết những trường hợp sau khi điều trị âm tính rồi lại dương tính, tỉ lệ đó hiện nay nó là bao nhiêu”.
Theo ông Phu, vừa qua, chúng ta ghi nhận một số trường hợp dương tính trở lại. Tuy nhiên, theo dõi không có sự lây lan trở lại tại cộng đồng ở Việt Nam. Tại Hàn Quốc, sau khi nghiên cứu gần 200 ca dương tính trở lại cũng không thấy có sự lây thứ phát. Chính vì vậy người dân không nên quá lo lắng.
Được biết, hiện trên thế giới có hai cách giải thích về khả năng dương tính trở lại của bệnh nhân Covid-19. Thứ nhất, là bệnh nhân có thể tái nhiễm do virus vẫn còn trong cơ thể, kháng thể đã sản sinh nhưng chưa đủ nhiều. Do đó, virus tồn dư có khả năng tiếp tục phát triển mà không bị tiêu diệt. Cách lý giải thứ hai là bệnh nhân bị tái nhiễm lại từ cộng đồng.
Tuy nhiên, khả năng này khá thấp. Theo các chuyên gia y tế, việc âm tính hay dương tính còn phụ thuộc vào lúc lấy mẫu xét nghiệm, xem lúc lấy mẫu có bị can thiệp gì không như có súc họng hay không, súc bằng các dung dịch kháng khuẩn hay không thì việc lấy mẫu sẽ không đạt chuẩn 100%.
Theo TS.BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, hiện tượng bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh mà vẫn có kết quả dương tính là do sau khi bệnh nhân hồi phục, các trường hợp có tổn thương ở phổi, các tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus (xác virus).
Sai sót trong xét nghiệm là khó xảy ra vì kỹ thuật RT-PCR đang sử dụng để phát hiện nhanh virus rất nhạy, chỉ cần sót lại một vài vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 sẽ cho kết quả dương tính. Các nghiên cứu sẽ tiếp tục với với các ca bệnh sau hồi phục có kết quả xét nghiệm tái dương tính để làm rõ cơ chế gây bệnh của loại chủng virus mới này.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam cũng như ở các nước chưa có thông tin gì về việc có cần phải thay đổi phác đồ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 hay không, nếu như có nhiều bệnh nhân dương tính trở lại. Tuy nhiên, dù có dương tính trở lại hay không thì tất cả các trường hợp cũng không thay đổi phương pháp phòng ngừa tối ưu hiện nay là tránh tập trung, hạn chế tiếp xúc, mang khẩu trang và màng che giọt bắn.
Các địa phương cần tăng thời gian quản lý các trường hợp sau khi điều trị từ 14 ngày trở lên. Bởi nguy cơ “làn sóng Covid-19 thứ hai” vẫn còn do vẫn có thể có mầm bệnh, người lành mang virus trong cộng đồng mà chưa phát hiện ra được.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19 với thế giới
Đến nay, Việt Nam tự hào là quốc gia đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 với số ca lây nhiễm ở mức độ thấp, đã có hơn 2/3 bệnh nhân khỏi bệnh và chưa có trường hợp tử vong. Mới đây, Việt Nam đại diện cho Văn phòng WHO Tây Thái Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19, lý giải nguyên nhân vì sao trong vòng 18 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kinh nghiệm khống chế dịch Covid-19 của Việt Nam là có sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ với chiến lược: Chủ động phòng ngừa - phát hiện sớm - cách ly triệt để và điều trị tích cực.
Ngoài ra, Việt Nam kêu gọi sự vào cuộc của các cấp chính quyền và huy động mọi nguồn lực tại chỗ với phương châm: Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hành khách từ nước ngoài về, tăng cường giám sát trong cộng đồng, truyền thông nguy cơ tới toàn bộ người dân để chủ động phòng ngừa. Nhờ hệ thống kiểm soát các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, Việt Nam có cảnh báo sớm về dịch bệnh, từ đó hành động kịp thời, truy tìm dấu vết người bệnh, đồng thời thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa các điểm nóng về Covid-19 để dập dịch hiệu quả.
Trong thời gian tới, các ưu tiên của Việt Nam tập trung vào tăng cường giám sát Covid-19 thông qua tối ưu hóa các nền tảng giám sát đã có; kiểm tra - truy tìm người tiếp xúc gần - điều trị; tiếp tục chuẩn bị cho kịch bản lây nhiễm rộng hơn trong cộng đồng; tăng cường năng lực về truyền thông nguy cơ tại tất cả các cấp độ để phòng ngừa và ứng phó với Covid-19.
Hiện Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 thử nghiệm trên chuột và lấy máu để đánh giá hiệu quả phòng bệnh.