Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ, nên hay không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chủ đề xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) cho một số đối tượng làm nghệ thuật đang được đem ra mổ xẻ thời gian này, trong đó, nhiều ý kiến trái chiều quay quanh việc nhạc sĩ có phải là đối tượng được trao danh hiệu không?
Đại biểu Trần Thị Thu Đông
Đại biểu Trần Thị Thu Đông

Trong buổi thảo luận dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi sáng 28/10, đại biểu Dương Minh Ánh (Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ. Lý do là nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo, nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện.

Theo bà Ánh, nhạc sĩ cũng như đạo diễn, nhân viên quay phim, âm thanh, họa sĩ, biên đạo..., là những đối tượng trong dự luật. "Nếu họ đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác đóng góp cho ngành văn hóa, nghệ thuật thì họ phải được xét tặng", bà Ánh chia sẻ.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) cho rằng việc xét và trao danh hiệu là hình thức tôn vinh, tạo động lực trong hoạt động nghệ thuật và cống hiến của các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, có một điều chưa hợp lý là nhiều năm qua, danh hiệu chỉ được xét và trao cho các nghệ sĩ biểu diễn, không phải nghệ sĩ sáng tác. Vì vậy, những tác giả lớn như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, soạn giả Yên Lang, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển... với những tác phẩm sống mãi cùng thời gian lại không được xét tặng.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú phân tích dự thảo luật vẫn quy định họa sĩ - người sáng tác tranh - là đối tượng xét tặng mà loại bỏ nhạc sĩ thì chưa bảo đảm thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc. Nếu nhạc sĩ có tác phẩm hay, xuất sắc, được ghi nhận thì sẽ được trao tặng các giải thưởng này.

Còn với danh hiệu NSND, NSƯT là tặng cho sự nghiệp, cho người biểu diễn nghệ thuật. Trong trường hợp nhạc sĩ cũng tham gia biểu diễn thì có thể được xét tặng danh hiệu này, còn ngược lại khi không nên xét

Ông Trí chia sẻ: "Trong ngành y của chúng tôi, có thầy thuốc có những công trình rất nổi tiếng, họ sẽ được Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, họ đóng góp vào sự nghiệp khám, chữa bệnh tốt thì sẽ được phong tặng Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú".

Tất nhiên, vẫn có những ý kiến đồng tình khi viện dẫn theo hệ thống giải thưởng hiện hành, hàng năm giới nhạc sĩ, sáng tác đã có giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đồng tình với việc bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với nhạc sĩ: “Vì nhạc sĩ không tham gia biểu diễn, nếu ai tham gia biểu diễn thì xét ở lĩnh vực họ biểu diễn”.

Điều 64 Luật Thi đua khen thưởng hiện hành quy định: Đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Dự án Luật (sửa đổi) trình Quốc hội khóa 15 đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi danh sách.

Về phần phát thanh viên có nên thuộc danh sách xét tặng danh hiệu hay không, cũng đó có nhiều ý kiến khác nhau trước đó. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, có không ít nghệ sĩ cho rằng, cống hiến và nỗ lực của phát thanh viên là không nhỏ, nước ta cũng chứng kiến nhiều phát thanh viên gạo cội mà giọng đọc đã trở thành huyền thoại như NSND Tuyết Mai, NSƯT Kim Cúc, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Hà Phương... Danh xưng NSND, NSƯT là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến không mệt mỏi của họ.

Đọc thêm