Theo công văn mới gửi đến các trường ĐH, CĐ, các sở GD&ĐT về việc điều chỉnh thời gian xét tuyển ngày 24/8, thời gian đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và công bố kết quả trúng tuyển đối với các đợt xét tuyển tiếp theo từ 20 ngày xuống còn 10 ngày.
Đặc biệt, trong các đợt xét tuyển bổ sung, sau khi đã ĐKXT vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.
Việc Bộ rút ngắn thời gian xét tuyển sẽ giúp thí sinh không còn phải mệt mỏi chờ đợi kết quả, các trường sẽ chủ động thời gian nhập học đúng tiến độ, khai giảng cũng sẽ đồng bộ hơn. Tuy nhiên, việc thí sinh tiếp tục có 4 nguyện vọng ở một phiếu đăng ký và có quyền được đăng ký một lúc 3 trường khác nhau sẽ gây khó khăn cho các trường trong đợt tuyển sinh lần 2 vì số thí sinh “ảo” sẽ tăng lên đáng kể
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD&ĐT cho biết: trong lần xét tuyển này, thí sinh không được phép rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng. Vì vậy, thí sinh cần chọn ngành, trường có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi của mình. Hoặc thí sinh có thể bắt đầu ngành nghề yêu thích bằng bậc Cao đẳng. Khả năng nhiều trường xét NV bổ sung đợt đầu đã đủ chỉ tiêu, rất ít trường sẽ xét thêm đợt kế tiếp, thí sinh cần hết sức cẩn trọng khi đăng ký.
Theo kết quả tổng hợp số liệu xét tuyển của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện nay đã xác định còn 38 trường đại học, cao đẳng vẫn tuyển thiếu nên cần tuyển bổ sung trong đợt II với tổng số khoảng 31.000 chỉ tiêu đại học, 8.200 chỉ tiêu cao đẳng.
Như vậy, ngoài số gần 40.000 chỉ tiêu còn thiếu của 38 trường trên sẽ còn hàng chục nghìn chỉ tiêu đại học, cao đẳng nữa được tuyển bổ sung trong đợt II này.
Theo kết quả tổng hợp này, trong số 127 trường đại học, cao đẳng đã gửi báo cáo về kết quả xét tuyển đợt I cho Bộ Giáo dục - Đào tạo (hầu hết là trường đại học) thì mới có 41 trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu.