Nhiều trường đại học, cao đẳng "mòn mỏi" đợi hồ sơ thí sinh

(PLO) - Dù đã qua hơn một nửa thời gian xét tuyển đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng nhưng hiện tại nhiều trường đại học - cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, số thí sinh đến nộp hồ sơ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
“Chuột chạy cùng sào mới vào dân lập”
Năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thay đổi cách thức tuyển sinh với kì thi 2 trong 1. Qua đó, kết hợp cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một. Với cách thi đó, năm nay hình thức tuyển sinh cũng có nhiều điểm mới hơn. 
Điểm thi của thí sinh sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng để nộp hồ sơ tuyển sinh vào các trường ĐH - CĐ. Năm nay các thí sinh sẽ không phải đăng ký vào các trường ĐH - CĐ trước khi thi như mọi năm. Đổi lại, khi có điểm thi, các thí sinh căn cứ vào nhu cầu của các trường và các ngành nghề để nộp hồ sơ tuyển sinh.
Chính vì thế, sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi, các thí sinh đã bắt đầu “rục rịch” nộp đơn vào các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, vì “thăm dò” chỉ tiêu cũng như điểm chuẩn nên không ít thí sinh sau khi nộp hồ sơ lại rút ra vì sợ điểm của mình thấp hơn so với điểm chuẩn. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường ĐH-CĐ trên cả nước vẫn phải đợi thí sinh và ĐH Huế cũng không là ngoại lệ.
Năm học 2015 - 2016, Trường ĐH Dân lập Phú Xuân được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng 1.500 sinh viên, trong đó hệ chính quy là 1.100 sinh viên, ngoài chính quy là 400 sinh viên. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày thông báo nộp hồ sơ tuyển sinh, trường chỉ mới nhận được 100 bộ hồ sơ. Mặc dù hiện đã có 100 bộ hồ sơ nộp vào trường nhưng khoảng 50% các em nộp để đợi điểm từ các trường khác.
Ông Phan Công Toàn – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Xuân cho biết, vì là năm đầu thay đổi cách tuyển sinh cũng như cách xét tuyển nên năm nay số lượng thí sinh đến nộp thấp hơn mọi năm. 
Theo ông Toàn, các năm trước, số thí sinh nộp vào nguyện vọng 1 chiếm khoảng 25 đến 30% thì năm nay con số đó thấp hơn nhiều. “Các thí sinh nộp hồ sơ vào các trường dân lập cũng giống như “chuột chạy cùng sào”, không còn trường nào để nộp mới phải vào dân lập” - ông Toàn cho biết.
Một lý do khác được ông Toàn đưa ra để giải thích cho việc các trường dân lập không có thí sinh nộp hồ sơ chính là do các trường công lập tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu mà Bộ cho phép. Chính điều này làm cho các trường ngoài công lập càng gặp khó khăn hơn trong tuyển sinh.
Cao đẳng chỉ là biện pháp cứu cánh?
Tính đến hết ngày 12/8, ĐH Huế đã nhận trên 9 nghìn hồ sơ vào các trường và khoa trực thuộc. Tuy nhiên, con số 9 nghìn bộ hồ sơ này lại không đều ở các trường. Trong đó, nhiều nhất ở Trường ĐH Y, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, các trường ít hồ sơ tập trung vào ĐH Nông Lâm... Đặc biệt, phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị vẫn chưa có bộ hồ sơ nào. 
Trong năm học 2015-2016, Trường Cao đẳng Công nghiệp được Bộ giao chỉ tiêu tuyển  2.200 sinh viên cho 19 ngành học, với hai hình thức xét tuyển: qua học bạ năm 12 chiếm 25% số thí sinh và điểm trong kỳ thi tuyển sinh chiếm 75% thí sinh. Qua hơn một nửa thời gian của đợt 1, trường chỉ mới có 700 thí sinh đến nộp hồ sơ, trong đó có 200 bộ hồ sơ theo kỳ thi quốc gia và 500 bộ hồ sơ theo hình thức xét học bạ.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường CĐ Công nghiệp Huế cho biết, nếu số thí sinh nộp hồ sơ không có dấu hiệu cải thiện thì rất khó để trường có thể đạt con số 2.200 sinh viên cho 19 ngành học trong năm tới. Theo ông Thọ, hiện tại thí sinh chưa nộp hồ sơ vội mà vẫn tiếp tục đợi điểm để xem mình có đậu hay không. 
“Với nguyện vọng 1 rất khó để các trường CĐ có chỉ tiêu, bởi lẽ các thí sinh tập trung vào các trường ĐH, năm nay điểm chuẩn vào các trường ĐH là 15 điểm, với CĐ là 12 điểm. Vì vậy, thí sinh có rớt ĐH mới nộp đơn vào các trường CĐ, chính vì thế năm nay rất khó dự đoán được số lượng thí sinh đăng ký” - ông Thọ cho biết.
Cũng theo ông Thọ, hiện tại các trường CĐ đang đợi thí sinh rớt ĐH thì mới có khả năng đủ chỉ tiêu mà Bộ đề ra, và CĐ chỉ là một biện pháp để các em có thể tiếp tục học lên khi không thể nộp vào các trường ĐH. Dự đoán thời gian thí sinh tập trung nộp hồ sơ, ông Thọ cho biết có khả năng sau ngày 15 các em mới nộp đại trà.

Đọc thêm