Xét tuyển nguyện vọng 3: Càng rao, càng ế ẩm

Hôm nay (30-9) là thời hạn cuối nhận hồ sơ xét tuyển NV3 vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, đến ngày 29-9, nhiều trường vẫn trong cảnh “dài cổ” chờ thí sinh.
Hôm nay (30-9) là thời hạn cuối nhận hồ sơ xét tuyển NV3 vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, đến ngày 29-9, nhiều trường vẫn trong cảnh “dài cổ” chờ thí sinh.

Ảm đạm chợ chiều

Tương tự giai đoạn nộp hồ sơ NV2, thí sinh và phụ huynh chỉ dồn hồ sơ NV3 vào một số ngành, khiến nhiều ngành khác cận kề ngày hết hạn nhận hồ sơ vẫn thiếu rất nhiều chỉ tiêu.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ĐH Hùng Vương TP HCM, nhiều ngành có số hồ sơ xét tuyển rất ít là Công nghệ thông tin: 37 hồ sơ/70 chỉ tiêu, Xây dựng: 19 hồ sơ/ 75 chỉ tiêu; Công nghệ sau thu hoạch: 10 hồ sơ/ 90 chỉ tiêu; Tiếng Nhật: 9 hồ sơ/ 40 chỉ tiêu.
Khu vực tư vấn và tiếp nhận hồ sơ NV3 tại trường ĐH Hùng Vương TP HCM trong ngày 29-9 vẫn vắng tanh . Ảnh: Quang Phương
Các ngành thuộc khối kỹ thuật của trường ĐH Kỹ Thuật Công nghệ TP HCM như: Cơ điện tử, Cơ khí tự động, Kỹ thuật điện cũng đang còn “đói” thí sinh. Chỉ tiêu NV3 của mỗi ngành là 50 nhưng đến chiều ngày 29-9 số hồ sơ xét tuyển NV3 mới chỉ khoảng 30 hồ sơ/ngành. Các trường khác như: ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Hóa TP HCM cũng đang thiếu nhiều chỉ tiêu các ngành khối C. Theo công bố chỉ tiêu NV3, các trường ĐH ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ tiêu nhiều nhất như: ĐH An Giang, ĐH Trà Vinh, ĐH Đồng Tháp đưa ra hàng trăm chỉ tiêu nhưng mới chỉ nhận được… vài chục hồ sơ. Th.S Huỳnh Thị Hồng Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH Đồng Tháp cho biết, hiện trường chỉ mới nhận hơn 80 hồ sơ xét tuyển NV3. Ngành Thư viện thông tin ở bậc CĐ chỉ mới nhận... 1 hồ sơ, Quản lý văn hóa bậc ĐH nhận được 2 hồ sơ; một số ngành khác như: Sư phạm tin, Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp mới nhận chưa tới 10 hồ sơ. “Nhà trường dự tính ngưng đào tạo những ngành đó và chuyển thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển sang ngành khác có cùng khối thi và cùng điểm chuẩn”, ThS. Vinh cho biết. Tình trạng “đìu hiu” NV3 cũng diễn ra ở miền Trung. ĐH Tây Nguyên với gần 400 chỉ tiêu NV3 và điểm sàn xét tuyển chỉ ở mức điểm sàn của Bộ nhưng mới nhận được hơn 100 hồ sơ xét tuyển. Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Các ngành xét tuyển NV3 đều có hồ sơ đăng ký nhưng chỉ có vài ba hồ sơ. Đặc biệt, các ngành như: nông nghiệp, lâm nghiệp (hệ CĐ) rất khó tuyển thí sinh. Trường dự kiến sang năm sẽ ngưng tuyển sinh ngành chăn nuôi - thú y vì năm nay quá ít thí sinh lựa chọn. Ông Trương Trọng Ánh, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nha Trang cho biết: Trường tuyển NV3 tại phân hiệu ở Kiên Giang với 180 chỉ tiêu nhưng hiện tại mới chỉ nhận được chừng 30 hồ sơ xét tuyển. Chương trình quốc tế (ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 500 chỉ tiêu nhưng mới tuyển được 200 người. Lãnh đạo của chương trình cho biết, qua 9 năm tuyển sinh nhưng không năm nào đủ thí sinh. Có thông tin cho biết, một số chương trình đào tạo quốc tế thậm chí cho nợ cả đầu vào cũng không tuyển đủ thí sinh. Ông Đỗ Xuân Tùng, Phó Hiệu trưởng ĐHDL Thăng Long cho biết, một số trường chỉ tuyển được khoảng 1/3 chỉ tiêu thậm chí, có trường phản ánh trong cuộc họp về điểm sàn của Bộ rằng cần tuyển 3.000 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 300 thí sinh sau NV1; hoặc như có trường gọi tới 300% chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 30 %... Vì sao cạn nguồn tuyển ? Vì sao lại có tình trạng cạn nguồn tuyển như vậy, trong khi Bộ GD&ĐT công bố nhiều thí sinh đạt trên điểm sàn? Ông Đỗ Xuân Tùng cho biết, sở dĩ có nghịch lý này vì Bộ GD&ĐT tính toán nguồn tuyển trên lý thuyết lấp đầy chỉ tiêu các trường; số thí sinh có điểm trên mức sàn sẽ lấp đầy chỉ tiêu NV2, 3 của các trường. Nhưng nhà quản lý quên rằng thí sinh phía Bắc không dễ di chuyển vào phía Nam để học. Nhiều thí sinh không thi đỗ vào trường, ngành đã chọn, thay vì nộp hồ sơ NV2, 3 thì đợi thi lại vào năm sau. Cũng có nhiều lý do khác như: phân luồng chưa tốt, thiếu định hướng nghề nghiệp, tâm lý thí sinh thích làm thầy hơn làm thợ...”. Vì vậy, theo ý kiến các nhà tuyển sinh, Bộ GD&ĐT phải tính toán lại từ khâu giao chỉ tiêu cho các trường, tổ chức thi đến các khâu: dự báo và xác định điểm sàn. Về phía các trường, ông Đỗ Xuân Tùng cho hay: phải tự nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để thu hút người học.
Theo Quang Phương - Hồ Thu
Tuổi Trẻ

Đọc thêm