Xét xử binh nhì “tuồn” tài liệu cho Wikileaks

Hơn 3 năm sau khi bị bắt giữ tại Iraq, binh nhì đã “tuồn” tài liệu mật của Chính phủ Mỹ cho trang mạng WikiLeaks ngày 3/6 chính thức phải ra hầu tòa.

Hơn 3 năm sau khi bị bắt giữ tại Iraq, binh nhì đã “tuồn” tài liệu mật của Chính phủ Mỹ cho trang mạng WikiLeaks ngày 3/6 chính thức phải ra hầu tòa.

Binh nhì Bradley Manning bị cáo buộc đã gửi 250.000 điện tín ngoại giao và 500.000 báo cáo chiến trường từ Afghanistan và Iraq cho trang mạng Wikileaks trong các năm 2009 và 2010. Binh sỹ này đang đối mặt 21 tội danh, trong đó tội nặng nhất là cố ý “trợ giúp cho kẻ thù” mà cụ thể là giúp đỡ cho tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda bằng cách làm cho tổ chức này có thể truy cập các nguồn tin tình báo của Mỹ.

Binh nhì Manning.

Nếu bị buộc tội này, Manning có thể sẽ phải lĩnh án tù chung thân. Ngoài ra, anh ta bị cáo buộc đã khiến cho các thông tin tình báo của Mỹ bị công bố trên Internet và đối mặt với 14 tội danh liên quan đến đến việc Wikileaks công bố các tài liệu mật cùng 5 tội danh vi phạm các quy định về sử dụng máy tính của quân đội. Các tội danh này có thể thêm vào bản án của Manning 154 năm tù giam nữa.

Trong một phiên điều trần diễn ra hồi tháng 2 vừa qua, Manning thú nhận đã chuyển các thông tin cho WikiLeaks từ ngày 1/11/2009 đến 27/5/2010, tức thời gian mà anh ta đang làm chuyên gia phân tích tình báo tại căn cứ Hammer ở ngoại ô Baghdad và có thể truy cập vào các hệ thống lưu trữ thông tin mật của chính phủ Mỹ.

Các tài liệu mà Manning đã chuyển cho WikiLeaks gồm có cả một đoạn video ghi lại một cuộc tấn công của máy bay chiến đấu tại Baghdad, giết chết một số dân thường, trong đó có 2 phóng viên của hãng tin Reuters.  

Theo lời khai của binh nhì này, anh ta đã gửi các tài liệu nói trên cho Wikileaks vì muốn dấy lên một cuộc tranh luận của công chúng về vai trò của quân đội Mỹ và chính sách đối ngoại của nước này.

Tuy nhiên, cơ quan công tố cáo buộc việc làm rò rỉ các thông tin của Manning đã gây tổn hại đến an ninh quốc gia và gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân Mỹ.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong vòng 3 tháng, với hàng chục nhân chứng dự kiến được mời đến tòa án. Manning sẽ được giảm 112 ngày trong tổng số bản án mà anh ta sẽ phải nhận sau khi một thẩm phán cho rằng anh ta đã phải nhận những biện pháp đối xử khắc nghiệt quá mức trong suốt 9 tháng bị giam giữ sau khi bị bắt hồi năm 2010.

Ngoài ra, với việc bị xét xử tại tòa án quân đội, Manning có ít cơ hội để thay đổi bản án mà anh ta sẽ phải nhận. Vì nếu như trong một án dân sự xét xử cáo buộc hình sự, bị cáo có thể kháng án qua nhiều cấp cho đến cơ quan tư pháp cao nhất là Tòa án tối cao thì đối với các vụ việc quân sự, bên bị kết án chỉ có thể yêu cầu Tòa phúc thẩm cho các lực lượng vũ trang xem xét lại bản án.

Nếu tòa này từ chối, việc kháng cáo sẽ dừng lại, đồng nghĩa với việc đối tượng bị kết án phải chấp nhận bản án mà tòa đưa ra.

Minh Ngọc (theo báo nước ngoài)

Đọc thêm