Phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Vinashin đã diễn ra tại TAND TP Hải Phòng (dự kiến kết thúc vào ngày 30/3) do Thẩm phán Trần Văn Nhiêm làm Chủ tọa.
Theo Cáo trạng của VKSDNTC, 9 bị cáo bị truy tố ra trước TAND TP Hải Phòng với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự, gồm Phạm Thanh Bình (SN 1953), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn CNTT Việt Nam; Trần Văn Liêm (SN 1955) nguyên Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn CNTT VN, nguyên Giám đốc Cty Viễn Dương; Nguyễn Văn Tuyên (SN 1962), nguyên Giám đốc Cty CP CNTT Hoàng Anh Vinashin; Trịnh Thị Hậu (SN 1964), nguyên Tổng Fiams đốc Cty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC); Đỗ Đình Côn (SN 1952), nguyên Kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc Cty CP CNTT Hoàng Anh; Tô Nghiêm (SN 1959), nguyên Chủ tịch Cty TNHH MTV CNTT Cái Lân- Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà- Quảng Ninh; Nguyễn Tuấn Dương (SN 1966), nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư Cửu Long; Hoàng Gia Hiệp (SN 1972), nguyên Phó Tổng Giám đốc Cty Tài chính TNHH MTV CNTT (VFC)- Giám đốc Cty cho thuê tài chính CNTT; Trần Quang Vũ (SN 1958), nguyên Tổng Giám đốc tập đoàn CNTT Việt Nam- Nguyên Tổng Giám đốc TCty CNTT Nam Triệu.
|
Các bị cáo trước vành móng ngựa (từ trái qua phải): Tô Nghiêm, Nguyễn Tuấn Dương, Phạm Thanh Bình, Đỗ Đình Côn, Trần Văn Liêm, Hoàng Gia Hiệp, Nguyễn Văn Tuyên, Trần Quang Vũ và Trịnh Thị Hậu. Ảnh TTX |
Ngày đầu tiên, HĐXX tập trung thẩm vấn nhằm làm rõ 3 trong số 5 nội dung mà VKS truy tố: Đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân, đầu tư mua tàu Hoa Sen và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang.
Bị cáo Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân thừa nhận sai phạm khi cho rằng việc càng chạy nhà máy nhiệt điện càng lỗ: “Trách nhiệm của tôi cũng rất lớn. Lẽ ra tôi phải kiến nghị không nên chạy ngay mà phải đợi nhà máy thép”.
Đối với việc mua tàu Hoa Sen, HĐXX đã làm rõ, từ năm 2007, với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin, bị cáo Phạm Thanh Bình đã giao cho Cty Vận tải viễn dương Vinashin mua tàu Cartour của Ý trị giá 63 triệu Euro về đổi tên thành tàu Hoa Sen chạy tuyến Bắc - Nam.
Vinashin đã mua phải tàu không phù hợp với điều kiện Việt Nam, có lỗi ẩn trong tôn đóng tàu nên khi vận hành ở Việt Nam, tàu bị thủng đáy, nước vào phải sửa chữa mất hơn 300.000 USD, tàu chạy được 39 chuyến thì phải dừng vì càng chạy càng lỗ. Bị cáo Bình đồng ý với các sai phạm do VKS cáo buộc song không đồng ý cách đánh giá thiệt hại của cơ quan công tố.
Bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng GĐ TCty CNTT Nam Triệu, nơi có việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang sai luật thì lại tìm cách gỡ tội, cho rằng TCty Nam Triệu nhận tàu Bạch Đằng Giang về để hoán cải thành khách sạn 4 sao và tổ chức các hoạt động đón khách ở Vịnh Hạ Long.
Năm 2008, TCty rất khó khăn khi phải thi công nhiều dự án lớn. Khi bán tàu Bạch Đằng Giang lấy giá sàn là 144 tỷ đồng, chỉ có 3-4 DN tham dự bỏ thầu, giá cao nhất cũng chỉ trả tới 75 tỷ đồng nên quyết định bán vỏ tàu lấy 66 tỷ. Bị cáo Vũ trần tình, không biết tàu Bạch Đằng Giang là tài sản thế chấp, chỉ nghĩ là tài sản của Tập đoàn nên đem bán, đem tiền chi trả lương thưởng...
Hôm nay, HĐXX tiếp tục làm việc, thẩm vấn những nội dung liên quan của vụ án.
Linh Nhâm