Xét xử vụ án Alibaba: Nguyễn Thái Luyện lĩnh án tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 29/12, sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên án 23 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba.
Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo
Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo

Rao bán 58 dự án "ma", chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng

Theo nội dung vụ án, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua số lượng lớn đất nông nghiệp.

Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập ra 58 dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.

Tính đến ngày khởi tố vụ án là ngày 13/9/2019 (hơn 3 năm kể từ ngày thành lập), Công ty Alibaba triển khai bán hàng trên 58 dự án nhưng chưa có dự án nào tiến hành xin cấp phép, dù chỉ là thủ tục cấp phép; chưa một pháp nhân nào thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Điều này minh chứng các bị cáo không có ý định xin cấp phép đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

HĐXX nhận định, Nguyễn Thái Luyện là Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba, có vai trò chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc. Luyện là người hiểu biết pháp luật hơn các bị cáo trong vụ án, có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nên buộc phải biết rõ các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Luyện đã rao bán 58 dự án "ma" cho hơn 4.500 bị hại chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo HĐXX, việc thực hiện dự án phân lô, bán nền phải đảm bảo nhiều điều kiện về quy hoạch, hạ tầng, giấy phép và hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi bán. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã tự ý phân lô, bán nền trái phép, không xin cấp phép thực hiện dự án nhưng đưa ra các thông tin gian dối để khách hàng tin tưởng. Toàn bộ số tiền thu được khi bán dự án "ma", bị cáo không thực hiện dự án như cam kết mà tiếp tục sử dụng vào việc thu mua đất nông nghiệp cho cá nhân mình.

Làm rõ vai trò cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tách thửa

Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), HĐXX cho rằng, ngày 18/9/2019, sau khi chồng và em trai bị bắt, Mai sợ số tiền hơn 30 tỷ đồng gửi trong ngân hàng do bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (nhân viên kế toán) đứng tên sẽ bị phong tỏa nên hôm sau đã chỉ đạo Thắng rút ra. Cùng ngày, Mai chuyển 13 tỷ vào tài khoản của Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện), sau đó yêu cầu rút tiền mặt ra và giao lại cho mình sử dụng.

Tại tòa, bị cáo Mai khai đã dùng số tiền trên trả nợ cho ngân hàng và bạn bè nhưng không công bố thông tin vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng của người thân trong gia đình. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng lời khai của bị cáo không có căn cứ, không đúng sự thật, vì sau khi rút tiền, bị cáo có mục đích sử dụng khoản tiền bất hợp pháp đến cùng. Ngoài ra, bị cáo Mai đã tạo điều kiện cho Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của hàng nghìn bị hại.

Đối với bị cáo Nguyễn Thái Lực, HĐXX nhận định bị cáo đã giúp sức cho Luyện chiếm đoạt tiền của bị hại, tham gia đứng tên trên các thửa đất, lập ra 3 dự án giúp Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt tổng số tiền hơn 460 tỷ đồng. Ngày 20/9/2019, bị cáo đến ngân hàng rút hơn 13 tỷ đồng đưa cho Võ Thị Thanh Mai. Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được số tiền này.

Theo HĐXX, các bị cáo là đồng phạm của Nguyễn Thái Luyện có vai trò giúp sức cho cựu Chủ tịch Alibaba như cáo trạng truy tố. Tội phạm các bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đều là mắt xích trong vụ án, không có hành vi của bị cáo này thì không có hành vi của bị cáo khác. Song, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, một số bị hại chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, đều là lao động chính trong gia đình, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt... Do đó, HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn). Bị cáo Nguyễn Thái Lực bị tuyên 27 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù; các bị cáo khác nhận 10 - 19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (có dự án "ma" của Nguyễn Thái Luyện) cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tách thửa, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị Công an TP HCM tiếp tục làm rõ và thu hồi 9 tỷ đồng mà bị cáo Mai đã chuyển cho hai cá nhân vì đây là tiền phạm tội.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Luyện và Mai liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bị hại (được nêu chi tiết trong các phụ lục I, II của bản án) - tương đương 2.400 tỷ đồng. Nội dung bồi thường cụ thể sẽ được tòa công bố vào hôm nay (30/12).

Đọc thêm