(HPĐT)- Ngày 26-1, TAND huyện An Dương mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự cố ý gây thương tích đối với 5 bị cáo: Nguyễn Thành Long, sinh năm 1981, trú tại số 15/339 đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) và Hoàng Văn Cường, sinh năm 1970 trú tại thôn Tân Tạo, xã Bình Dân, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), đều nguyên là phó phòng Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng (viết tắt là SHP); Nguyễn Phi Sơn, sinh năm 1976, ở số 44/34 phố Hàng Kênh, phường Trại Cau (quận Lê Chân); Hoàng Việt Dũng, sinh năm 1986, trú tại số 5/8/63 phố Cấm, phường Gia Viên (quận Ngô Quyền); Nguyễn Văn Lương, sinh năm 1981, ở số 64 Đồng Xá 2, khu C2, phường Cát Bi (quận Hải An).
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thành Long khai nhận, Công ty SHP tiếp nhận, làm chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương) từ năm 2006. Công ty SHP bổ nhiệm Nguyễn Thành Long làm phó phòng và được giao nhiệm vụ phụ trách đền bù, giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Tràng Duệ để bàn giao cho các nhà đầu tư. Từ khi nhận nhiệm vụ, Long thường xuyên tiếp xúc với người dân ở thôn Tràng Duệ, xã Lê Lợi. Trong đó, một số người có hành vi chống đối, gây khó khăn cho việc san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở trong khu công nghiệp. Năm 2009, Công ty CIMICO ký hợp đồng thuê 1,5 ha đất thuộc lô C, nhưng khi bàn giao mặt bằng, một số hộ chưa nhận tiền đền bù nhiều lần ra ngăn cản. Long báo cáo lãnh đạo của công ty tạm thời làm hàng rào bằng cọc tre và lưới thép để bảo vệ nhưng vẫn bị người dân cản phá. Long thừa nhận, sự việc phản ứng của người dân, hơn nữa, công việc không hoàn thành, lãnh đạo công ty khiển trách, phía đơn vị ký hợp đồng thuê đất cũng thúc ép khiến Long bị áp lực, bức xúc. Long nảy ra ý định nhờ một số thanh niên quen biết ngoài xã hội đến để “dọa” người dân. Sáng 18-5-2010, Long đến gặp Sơn, Dũng, Lương tại quán cà phê ở số 38 phố Hàng Kênh (quận Lê Chân) kể lại sự việc người dân ngăn cản, ảnh hưởng đến công việc. Long thừa nhận hành vi của mình là sai nhưng cho rằng khi nhờ nhóm của Sơn vẫn nói là chỉ dọa, cùng lắm là đánh vào tay chân.
|
Để phòng người dân có phản ứng “mạnh” và để “phòng thân” Long gọi điện thoại cho Hoàng Văn Cường, phó phòng phụ trách về hành chính, nhân sự, nói Cường mua 20 chiếc cán xẻng bằng gỗ đem về khu đất thi công. Cường biết việc làm của Long nhưng không ngăn cản mà cử người đi mua. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, Long cùng Sơn, Lương, Dũng và một số đối tượng khác đi xe ô tô đến khu công nghiệp Tràng Duệ. Tại đây, Long, Sơn có hành vi chửi bới những người dân có mặt tại đó. Giữa nhóm của Long, Sơn và người dân xảy ra xô xát.
Qua giám định thương tích, có 11 người bị giảm sút sức lao động, trong đó, bà Trần Thị Thơm, mặc dù không có đất liên quan đến dự án khu công nghiệp, chỉ là người có mặt ở đó cũng bị đánh, thương tích nặng nhất, làm giảm 18 % sức lao động. Ngoài ra, bà Phan Thị Mỗi bị giảm 10% sức lao động, số còn lại bị giảm từ 1 đến 4% sức lao động.
Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án nghiêm trọng, sử dụng hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho nhiều người, trong đó có người già, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, các bị cáo đều khai báo thành khẩn, tích cực bồi thường cho những người bị hai; sự việc xảy ra có phần lỗi của một số người bị hại. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Long 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Dũng, Lương, mỗi bị cáo đều lĩnh án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Cường 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng bị cáo Sơn có 2 tiền án, lần phạm tội này là tái phạm, Hội đồng xét xử tuyên 24 tháng tù giam, cộng với bản án 24 tháng tù về tội cố ý gây thương tích của TAND quận Ngô Quyền chưa thi hành, tổng hợp hình phạt, Sơn phải chịu mức án chung 48 tháng tù giam. Trong vụ án này còn một số đối tượng khác tham gia hiện bỏ trốn và một số chưa rõ lý lịch, cơ quan công an ra lệnh truy nã và tiếp tục điều tra./.