Ngày 29-3, tại thành phố Điện Biên Phủ, Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ tham ô, “rút ruột” Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Lương Phương Các, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Điện Biên, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Lê Văn Viễn, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Trần Quốc Hưng, nguyên Kế toán Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Nguyễn Văn Chính, nguyên cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Võ Thị Hồng, nguyên Giám đốc Công ty Mỹ Thuật Trung ương; Nguyễn Trọng Hạnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết; Lê Huyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội; Nguyễn Đức Sứng, nguyên Chủ nhiệm Khoa tạo dáng, Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội. 8 bị cáo đưa ra xét xử trong phiên toà này theo các nhóm tội: tham ô tài sản, đưa - nhận hối lộ, cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ |
Theo cáo trạng, Dự án “bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ” được Nhà nước đầu tư, xây dựng nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử và thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004). Dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 ưu tiên chọn xây dựng công trình Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ tại Trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Trong quá trình thi công xây dựng Tượng đài, Lương Phượng Các- Giám đốc Ban quan lý dự án và Lê Văn Viễn- Phó giám đốc Ban quan lý dự án đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế mỹ thuật- Tổng dự toán dự án xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, làm trái các quy định Nhà nước về thẩm định dự toán phần Mỹ thuật, đề nghị chỉ định thầu và ký các hợp đồng kinh tế. Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn và những người có trách nhiệm đã không thực hiện việc kiểm tra khả năng kỹ thuật, năng lực tài chính của Công ty Mỹ thuật trung ương khi đề xuất chỉ định thầu và ký hợp đồng nên không phát hiện được việc Công ty Mỹ thuật trung ương không có xưởng đúc đồng, phải ký hợp đồng giao lại việc thi công đúc tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đoàn Kết do Nguyễn Trọng Hạnh làm Phó giám đốc. Đặc biệt nghiêm trọng là Lương Phượng Các dù biết Công ty Mỹ thuật Trung ương đã thi công đúc Tượng đài Chiến thắng trước không hề theo dự toán thiết kế nhưng không có biện pháp ngăn chặn, khắc phục sai phạm mà vẫn ký đề nghị phê duyệt dự toán, đề nghị chỉ định thầu và ký hợp đồng với Công ty Mỹ thuật trung ương; hợp thức hoá cho những sai phạm trong việc thi công đúc tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trước không theo dự toán của thiết kế của Võ Thị Hồng, Nguyễn Trọng Hạnh.
Qúa trình xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn, Trần Quốc Hưng và Nguyễn Văn Chính đã làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý chất lượng công trình, không thực hiện việc giám sát thi công, nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bị bớt xén, “móc ruột” về tiền vốn, vật tư, thi công không đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật. Trong việc tạm ứng, thanh toán cho Công ty Mỹ thuật trung ương, Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn, Trần Quốc Hưng và Nguyễn Văn Chinh đã ký hợp đồng tư vấn giám sát khống, làm lại hồ sơ nghiệm thu phần mỹ thuật và hồ sơ thanh toán không đúng với chi phí thực tế công trình, làm thất thoát tiền vốn của Nhà nước đầu tư vào công trình. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an, số lượng đồng bị thiếu hụt so với dự toán và hợp đồng đã ký là 97,778 tấn (trị giá 2,688 tỷ đồng). Căn cứ kết luận giám định về tài chính, đầu tư thực hiện dự án, hậu quả thiệt hại về vật chất đối với phần Mỹ thuật (Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ) là 5.588.432.498 đồng.
Trước đó, trong quá trình thi công xây dựng tượng đài chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, để được chỉ định thầu, Võ Thị Hồng- Giám đốc công ty Mỹ thuật Trung ương đã cùng Nguyễn Trọng Hạnh- Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đoàn Kết lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng lợi thế, uy tín của doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, lợi dụng lòng tin, sự giới thiệu của Bộ Văn hoá Thông tin với UBND tỉnh Lai Châu (cũ) và lợi dụng việc Công ty Mỹ thuật Trung ương được Bộ Văn hoá Thông tin, UBND tỉnh Lai Châu (cũ) giao tổ chức sáng tác phác thảo tượng đài và lập dự án đầu tư xây dựng Tượng đài chiến thắng để che giấu năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực tài chính của Công ty Mỹ thuật Trung ương, che giấu việc tự ý ký hợp đồng thi công đúc tượng không căn cứ vào dự toán thiết kế được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Trước khi Dự toán thiết kế Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được phê duyệt và trước khi có chỉ định thầu, ký hợp đồng thi công xây dựng công trình với BQL dự án Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Võ Thị Hồng đã tự ý ký hợp đồng với Nguyễn Trọng Hạnh, thi công đúc tượng đài một cách tuỳ tiện, theo thoả thuận, tính toán của Nguyễn Trọng Hạnh. Trong quá trình thi công, đúc tượng đài, Võ Thị Hồng cùng BQL dự án không thực hiện việc kiểm tra, giám sát và nghiệm thu về khối lượng, chất lượng công trình theo quy định của pháp luật, đã để cho Nguyễn Trọng Hạnh sử dụng đồng phế liệu đúc tượng đồng, không đảm bảo về chất lượng kỹ thuật, khối lượng, mỹ thuật làm thất thoát tài sản, tiền đầu tư của Nhà nước.
Không chỉ có vậy, sau khi khánh thành Công trình tượng đài chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ vào ngày 30/4/2004, Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn, Trần Quốc Hưng và Nguyễn Văn Chính đã tìm người ký hợp đồng tư vấn giám sát khống, nhằm hoàn thiện lại hồ sơ nghiệm thu phần mỹ thuật và hồ sơ thanh toán theo yêu cầu của kho bạc nhà nước tỉnh Điện Biên để rút tiền bất chính. Các bị can Lê Huyên, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Nguyễn Đức Sứng, nguyên Chủ nhiệm khoa tạo dáng của trường, dù không thực hiện việc giám sát thi công công trình nhưng đã giúp Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn, Nguyễn Văn Chính và Trần Quốc Hưng ký hợp đồng tư vấn giám sát và hồ sơ nghiệm thu chi tiết phần Mỹ thuật được lập khống để chia hưởng số tiền chi phí tư vấn giám sát. Các bị can đã chia nhau, chiếm hưởng cá nhân 242.449.000 đồng (tiền chi phí tư vấn giám sát). Trong đó, Lương Phượng Các 18 triệu, Lê Văn Viễn 15 triệu, Trần Quốc Hưng 12 triệu, Lê Huyên 65 triệu, Nguyễn Đức Sứng 89,6 triệu.
Một điều đáng quan tâm là để thực hiện được các ý đồ đen tối của mình, Võ Thị Hồng đã đi vay 500 triệu đồng đưa cho Lương Phượng Các chi cho Ban QLDA, " cảm ơn" lãnh đạo một số ban, ngành tại tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Lương Phượng Các khai nhận đã chiếm hưởng cá nhân 50 triệu, đưa cho Lê Văn Viễn 40 triệu và đưa cho cán bộ lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh khoảng 365 triệu đồng, nhưng những người mà Các khai đều không thừa nhận...
Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ tham ô, “rút ruột” Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ dự kiến diễn ra từ 29-3 đến 1-4.