Cưới nhau đã hơn chục năm rồi mà mọi người vẫn cho rằng Đức lấy Ngọc là do cô đã “mua chuộc” anh. Khi nghe những lời đó, Ngọc rất uất ức nhưng không làm gì được nên mỗi dịp tết đến là một lần cô như bị “tra tấn” về mặt tinh thần. Mỗi lần mẹ chồng khoát tay là Ngọc biết bà đang cười mỉa cô điều gì đó.
|
Năm nào cũng vậy, quà tết của vợ chồng Ngọc mang về quê toàn bị cho là “có vấn đề”. Ngọc chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, tự hỏi làm dâu khó đến thế sao?. Ngọc cứ băn khoăn với những câu hỏi: Có lẽ nào bố mẹ chồng không thể chấp nhận cô?.
Dù rất đau khổ nhưng Ngọc vẫn không dám hé răng nửa lời. Đức hiểu điều đó nên càng thương vợ hơn. Nếu như anh có phản ứng trước những lời chê bai kia của mọi người thì lại bị cho là anh đang “bênh” vợ. Thế nên càng đến tết là hai vợ chồng lại đau đầu. Nhất là Ngọc, cô rất sợ những lời chê bai của mọi người mà cô biết có những lời chê rất vô lý và có ngụ ý. Từ nấu ăn cho đến cách làm cũng bị cho là “không chấp nhận được”…
Mỗi lần bị nhà chồng “nâng lên đặt xuống” chuyện biếu tết là Ngọc lại được một phen hú vía, không nói được lời nào, mặt mày tái mét như không còn giọt máu. Ngọc rất căng thẳng mỗi khi bố mẹ chồng nhìn vào giỏ quà mà vợ chồng cô mang từ thành phố về. Có thể nói quà tết của vợ chồng cô luôn là trung tâm bình phẩm của mọi thành viên nhà chồng. Thế nên dần dần Ngọc thấy có ác cảm với tết nhất. Bởi vì dù muốn dù không thì cô vẫn không được trốn tránh nghĩa vụ về quê.
Có lần, Ngọc “cháy” mặt khi bà chị gái của chồng ngó qua giỏ quà rồi buông một câu: “Làm dâu nhà này bao nhiêu năm rồi mà mợ Ngọc vẫn vụng về thế nhỉ?. Ai bảo mợ mua mấy cái thứ cà phê cà pháo nhiều vậy làm gì cho hoài của, có ai uống đâu mà mang về?. Lại đến đổ đi thôi”.
Thuyết phục mãi, cuối cùng Minh và Trang cũng có được một đám cưới như ý muốn. Nhưng cũng từ đây, Trang luôn phải đối mặt với cảnh làm dâu không được niềm nở, không được đón chào.
Tất cả tại vì trước đây bố mẹ chồng cô từng “chấm” cho Minh một cô gái có điều kiện hẳn hoi. Nếu lấy cô gái ấy thì Minh không phải lo lắng gì về kinh tế cả. Còn lấy Trang thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhiều vì cả hai đều tay trắng lập nghiệp. Viện vào cớ này mà nhà chồng, từ lớn chí bé đều bắt bẻ cô con dâu mới. Thế nên Trang rất buồn và tổn thương.
Ngày mới cưới xong, để lấy lòng mọi người, Trang chịu khó đi tìm mua những món bánh kẹo ngon nhất để đem về biếu bố mẹ chồng. Cứ tưởng như vậy là ổn, ai ngờ món quà nào cũng bị mọi người xúm vào chê bai đủ kiểu, mà toàn là những cái vụn vặt cả. Nếu mua đồ đắt thì bị chê là phí tiền, là“tiền thật mua của giả”. Thấy bố mẹ chồng thiếu thứ gì thì cô mua thứ ấy, vậy mà lại bị gán cho cái tội “khinh thường nhà chồng nghèo” hoặc “bố thí”.
Đến tết năm thứ hai, Trang mua quà biếu “giá cả phải chăng” hơn chứ không dám chơi “trội” nữa thì lại bị các cô, các bác “hùa” vào bảo cô tiếc rẻ, mua toàn của ôi thiu, giảm giá, quá “đát” về biếu tết…
Trang đã cố gắng làm một cô con dâu tốt nhưng đều không được công nhận vì nhà chồng vẫn còn đang “canh cánh” nuối tiếc cô con dâu hụt giàu có kia. Tết năm nào Trang cũng khá chu đáo trong mọi việc nhưng vẫn bị soi mói đủ điều. Cô đâm ra chán nản vì nhà chồng luôn nhìn con dâu với ánh mắt coi thường, xa lạ như người thừa.
Từ hai năm nay, Trang không dám đi mua quà tết nhà chồng nữa mà bảo chồng tự đi một mình cho “an toàn”. Trang bảo chồng biết bố mẹ thích gì thì mua nấy, với lại nếu nhà chồng biết Minh mua quà thì sẽ không có ai chê bai hay bình phẩm gì nữa.
Nhưng thi thoảng vẫn có vài lời bóng gió “ra vào” kiểu như cô không toàn tâm toàn ý với nhà chồng, đàn bà con gái mà để chồng xách giỏ đi mua quà tết khác nào làm nhục chồng?. Những lời bắt bẻ ấy nghe nhiều cũng đâm quen, kể cả chuyện Minh bị cho là “núp váy vợ” nữa.
Dần dần, tính cách Trang có nhiều thay đổi. Cô thẳng thắn nói với chồng rằng “đừng bắt em phải yêu bố chồng vì chính bố mẹ chồng cũng có yêu thương gì em đâu?”.
Để chồng “tự quyết” cũng là giải pháp của Ngọc. Hết cái tết này đến cái tết khác, cô đều không dám “đả động” đến quà biếu bố mẹ chồng. Mỗi lần về quê, dù là dịp tết hay về chơi bình thường thì tất cả cũng do một tay chồng chọn lựa. Ngọc đi cùng nhưng không thêm bớt, không góp ý mà chỉ chi tiền cho chồng. Để nếu như có ai đó gặng hỏi: “Ai mua?” thì cô cũng yên tâm là không phải mình.
Đức thấy chạnh lòng vì khoảng cách giữa vợ và nhà mình xa quá. Năm ngoái, anh rủ vợ đi siêu thị mua quà cùng cho tình cảm nhưng Ngọc nhất định từ chối. Cô toàn thoái thác rằng: “Em không muốn mấy ngày tết ngắn ngủi lại phải đối đầu với nhà chồng. Em mệt mỏi lắm. Anh không biết đấy thôi, cứ thấy mọi người “chĩa” mắt vào giỏ quà nhà mình là em lại đứng tim”.
Đức hiểu tâm trạng của vợ, với lại dù Ngọc có mua gì cũng đều là “chưa ổn”. Mỗi khi có công to việc lớn bên nhà chồng, Ngọc đều không tham gia, không góp ý. Như thành thói quen, Đức cũng không bắt ép vợ. Nhưng cứ tết đến là lại phải một mình vào siêu thị chọn quà biếu tết bố mẹ mình, Đức thở dài chán nản. Anh cầu mong sao cho bố mẹ hãy yêu lấy con dâu. Có lúc anh chép miệng: “Đúng là bố mẹ chê con dâu thì chỉ khổ con trai thôi”.
Tuyết Nhi
Tuyết Nhi