Người ta có thể dễ dàng chia sẻ tiền bạc, quần áo, v.v… với những hoàn cảnh không may, nhưng trao tặng một phần cơ thể của mình để nối tiếp một sự sống lại gần như ở một khía cạnh khác, khi hành động này không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, quan hệ xã hội hay một lý do nào, nếu người cho không có một tấm lòng thực sự biết yêu thương con người.
|
||
Bệnh nhân đợi nhận giác mạc tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. |
“Tại Đà Nẵng, ngay khi Hội Chữ thập đỏ mở đợt vận động hiến giác mạc (GM), lập tức có 500 người xung phong”, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Tuyết Hồng, Trưởng khoa Kết Giác mạc, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng nói.
Xin phép vợ cho anh… hiến giác mạc!
|
|||
Không chỉ riêng ông Bùi Văn Thăng mà cả vợ và con gái ông cũng đăng ký hiến giác mạc. |
Biết thông tin về cuộc vận động hiến GM, ông Bùi Văn Thăng (K122A/11 Trưng Nữ Vương) đã “chộp” ngay “cơ hội”. Từng nghe loáng thoáng về hiến tạng, nay lại hiểu rõ các quy định và ý nghĩa của hiến GM, ông Thăng cảm thấy việc bắt tay ký vào tờ giấy cam kết đã chín muồi. Vì đây là việc làm hoàn toàn mang tính tự nguyện, đặc biệt phải nhận được sự đồng thuận cao của tất cả các thành viên trong gia đình, nên không còn cách nào khác, ông Thăng phải tranh thủ thỏ thẻ với vợ, con vào mỗi bữa cơm.
Như nhiều người vẫn nghĩ một cách đại khái, hiến GM là cho đi toàn bộ đôi mắt, vợ ông Thăng đã hốt hoảng trước ý định của chồng. Nhưng lúc hiểu ra cho GM là chỉ cho một phần mỏng, bên ngoài của mắt, nhìn chung không tổn hại đến hình thức cơ thể; và quan trọng hơn, mỗi người rồi sẽ tan vào cát bụi, nhưng ánh sáng từ đôi mắt của mình sẽ được truyền lại cho người mù -những con người bất hạnh vì không được nhìn thấy sự sống; vậy là không những ủng hộ ông, vợ và con gái ông Thăng cũng tự nguyện làm giấy cam kết hiến GM.
Ông Thăng cho hay, ở địa phương hầu như không ai biết cả nhà ông đều đăng ký hiến GM. Không phải vì lý do là cán bộ Hội (ông Thăng hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bình Hiên) nên gương mẫu xung phong trong các phong trào; đơn giản, đó là ước nguyện nên ông muốn âm thầm thực hiện. Ngước đôi mắt nhìn lên bầu trời, ông Thăng nói với người đối diện như đang tự nhủ lòng: “Cuộc sống của bản thân mình như ri là được rồi. Mai này để lại cái gì đó có ích cho đời cũng đáng lắm”.
Cũng như ông Thăng, bác sĩ Nguyễn Thị Ninh Thượng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bình Hiên đã dặn dò con cháu: “Hãy cố giữ giúp đôi mắt của mẹ để có thêm hai người mù được sáng mắt”. Bà còn nhắn nhủ: “Người mù xin đừng tắt hy vọng, hãy kiên nhẫn chờ đợi vì còn có những người như chúng tôi”.
Ông Bí thư và cô giáo mầm non
Một tình nguyện viên Chữ thập đỏ có lần đến nhà Bí thư Đảng ủy phường nói chuyện về việc hiến GM, với suy nghĩ người này đứng đầu địa phương hẳn có tư tưởng cởi mở, tiến bộ nên nhiều khả năng sẽ đồng ý tham gia. Không ngờ, ông Bí thư cứ quanh co than mắt trái bị đau thế này, mắt phải bị viêm thế nọ. Dù được giải thích cặn kẽ rằng, những căn bệnh ấy không ảnh hưởng đến chuyện hiến GM, nhưng cuối cùng, tình nguyện viên vẫn trắng tay ra về. Không chỉ ông Bí thư, có ông tổ trưởng tổ dân phố khi nghe đến hiến GM cũng phán một câu: “Rứa thì làm răng “mai mốt” thấy đường về nhà?”, “Lỡ nhà làm đám, thấy chi mà về hưởng?”…
Cũng thật may, dù đời sống tâm linh đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người Việt nói chung, nhưng vẫn còn những con người lấy việc chia sẻ sự sống với những người bất hạnh mới là điều nên làm trên hết. Một cô giáo mầm non khi dẫn con lên UBND phường nhận quà Trung thu, tình cờ thấy dán thông tin về hiến GM, đích thân cô đã tìm hiểu thêm và chạy đến Hội Chữ thập đỏ xin đăng ký làm một việc thiện nguyện “nhỏ nhỏ”. Có anh lanh chân chạy qua nhà cán bộ phường trách: “Răng nghe trên đài nói chuyện hiến GM mà ở địa phương mình chẳng thấy động tĩnh chi hết?”. Có người đến trực tiếp khoa Kết giác mạc nằng nặc đòi bác sĩ: “Cho tui hiến ngay bây chừ”. Nhưng theo lời bác sĩ trưởng khoa Trần Thị Tuyết Hồng: “Luật chưa cho phép lấy GM của người đang còn sống nên chúng tôi đành khuyên tình nguyện viên ra về”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Tuyết Hồng, Trưởng khoa Kết giác mạc bệnh viện Mắt Đà Nẵng: |
Thu Hoa