“Xin em ngồi yên đấy…”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịch COVID-19 ngày càng căng thẳng, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng. Bớt một chuyện thị phi trên mạng xã hội cũng là cách giúp cho cuộc sống bớt nặng nề, mệt mỏi hơn. Thay vì nhìn đâu cũng thấy “tì vết”, chúng ta hãy mở lòng cho những yêu thương, nương nhẹ!

“Mắng nhau” có vui không?

Trước những ồn ào liên quan đến việc ca sĩ Thanh Lam đăng tải bài viết trên trang cá nhân cho hay đã hoàn thành xong 2 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, diva Thanh Lam đã có những chia sẻ liên quan đến thông tin này.

Thanh Lam cho biết, trong chiến dịch phòng chống COVID-19, ngoài “5K”, Đảng, Nhà nước và các đoàn thể đang ngày đêm nỗ lực tìm các nguồn vaccine để bao phủ, tạo miễn dịch cao nhất cho cộng đồng. Thanh Lam đã cùng gia đình, bạn bè không dưới 3 lần đóng góp một phần nhỏ bé cho Quỹ vaccine. Chị cũng cùng các nhà hảo tâm đóng góp thiện nguyện chung tay chống COVID-19 tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang…

Chị rất vui vì đã tiêm vaccine và chỉ là chia vui với bạn bè: “Cũng từ bài này, các bạn Lam đã chúc mừng Lam. Nhưng cũng có vài bình luận cho là mình đã không công bằng trong việc tiêm vaccine. Mình đã gỡ bài đó xuống, nhưng đến hôm nay vẫn có một vài bạn chụp lại bài đó và gửi cho mình với hàm ý khiêu khích, ghép mình với trường hợp này nọ trong việc tiêm vaccine”…

Ca sĩ Thanh Lam

Ca sĩ Thanh Lam

“Dù sao thì động lực tiêm vaccine của mình cũng rất rõ ràng và chính đáng. Mình vẫn theo đuổi các dự án làm thiện nguyện, đi hát cho các cháu bị ung thư trong bệnh viện, các cụ già trong các trung tâm dưỡng lão. Gia đình mình vẫn sống với mẹ già 96 tuổi nên việc tiêm vaccine cho mình an tâm hơn cho gia đình và xã hội”, chị bày tỏ. Đồng thời, chị cũng cảm ơn và chúc mọi người thật bình an và chiến thắng đại dịch COVID-19.

Chưa hết, những ngày qua, sau khi gia đình Thủy Tiên bỏ tiền túi mua hàng tấn rau về chia cho bà con Sài Gòn với giá “0 đồng” thì cô tiếp tục được người dân Hà Tĩnh gửi gắm hàng trăm tấn lương thực để đi phân phát cho bà con trong tâm dịch. Thủy Tiên - Công Vinh cùng lên tiếng phân trần, khẳng định chỉ làm nhiệm vụ phân chia chứ không phải bỏ tiền ra mua, nhưng cộng đồng mạng vẫn chưa hài lòng.

Cuối cùng, Thủy Tiên đã chọn cách đối đáp trực tiếp: “Bạn có thể đến bốc vác và phân chia hàng hóa rồi đưa đến cho bà con được không ạ? Vì mọi người bốc hàng thường xuyên, đêm dầm mưa, dãi nắng 2 ngày nay cũng rã người hết rồi, không còn sức nữa. Hiện rất thiếu người làm và cần sự giúp đỡ của các bạn. Mong mọi người thay vì gõ phím có thể qua hỗ trợ tụi mình một tay được không ạ?”.

Trước đó, Thủy Tiên đã lên tiếng khi bị tố “nhận vơ” 100 tấn lương thực của bà con Hà Tĩnh gửi vào TP HCM, cô phân trần: “Mình có ghi rõ trên hàng về đợt này là thực phẩm của người dân Hà Tĩnh quyên góp ủng hộ cho người dân TP HCM. Tụi mình chỉ là người nhận hàng và hỗ trợ phân phối hàng đến tận tay cho bà con cần giúp chứ không phải của mình mua đâu”.

Thậm chí, ngay khi một vụ tự tử vừa xảy ra, chưa rõ nguyên nhân gì thì người đàn ông đã 60 tuổi lấy hình ảnh, ghép và đăng lên mạng xã hội kèm nội dung bịa đặt rằng tự thiêu “do bất mãn cách chống dịch của chính quyền”. Trong lúc cả nước, nhất là TP HCM đang căng mình chống COVID-19 như thế, nhọc nhằn và tốn kém biết bao nhiêu, mà vẫn có thái độ xấu xí đến khó tin. Bởi vậy, việc cơ quan pháp luật kịp thời xử lý cá nhân đó là thích đáng!

Vừa rồi, trong những ngày “dầu sôi, lửa bỏng”, mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện 300 giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào TP HCM hỗ trợ chống dịch COVID-19. Từ việc sinh viên mặc áo blouse trắng đi ngoài đường, lên máy bay; việc được bố trí ăn ở tại hàng loạt khách sạn 4-5 sao nổi tiếng của TP HCM đến công tác lấy mẫu xét nghiệm, dùng đồ bảo hộ... Một bộ phận dân mạng chỉ trích họ quảng bá hình ảnh ầm ĩ, lãng phí. Cũng có ý kiến cho rằng đây là hành động đẹp, một việc làm đáng tự hào nên cần phổ biến để cổ vũ, khích lệ.

Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh bỗng dưng phải đi “trần tình” cho những mục đích tốt đẹp. (Ảnh minh họa)

Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh bỗng dưng phải đi “trần tình” cho những mục đích tốt đẹp. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc nhân danh “người thành phố” để lên mạng “dạy các em một bài học” bằng bài đăng trên trang cá nhân có nội dung kỳ thị vùng miền như cách làm của nữ MC nọ là không phù hợp, đã bị xử phạt hành chính.

Cũng như trở lại câu chuyện của ca sĩ Thanh Lam, không cần phải bàn về chuyện “nhờ” để được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Hà Nội vừa qua nữa, bởi đó chỉ là trường hợp cá biệt, vi phạm nguyên tắc tiếp cận tiêm chủng công bằng và đã bị xử lý.

Cần một hành trình khiêm nhường và yêu thương

Thật đáng buồn khi mạng xã hội và cũng là cuộc sống thực với những ồn ào không ngừng nghỉ, ngay cả khi chúng ta đang dồn sức chống dịch thì một bộ phận “anh hùng bàn phím” vẫn không ngưng “bới lông tìm vết”, gây ra những năng lượng xấu. “Lời nói không là dao/Mà cắt lòng đau nhói”. Vậy nên, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam đang căng mình chống dịch thì sự quan tâm, sẻ chia, chung sức nào cũng đáng quý và trân trọng. Thay vì buông ra những lời cay nghiệt, hãy dành sự trân trọng cần thiết cho những trái tim thiện nguyện, cho những ai dám xung phong đi nơi tuyến đầu, cho những ai ngày đêm phải nhốt mình trong lớp đồ bảo hộ kín mít nóng bức, vì sức khỏe và sự bình an chung của cộng đồng. Thay vì lao vào “ẩu đả” nhau bằng những ngôn ngữ nặng nề, những “hơn thua” bất tận…

Nhiều quan điểm cho rằng, giữa những khó khăn trong những ngày căng thẳng của đợt dịch này, sẽ không tránh khỏi những trách cứ, thậm chí phê phán. Tuy nhiên, điều đó không tạo nên năng lượng tích cực mà còn dễ gây thêm bất an. Bởi vậy, bạn hãy gác lại những bức xúc cho dù bạn có lý do để nghĩ rằng nó chính đáng. Một quyết sách nào cũng được dựa trên các con số và quá trình phân tích, không phải ngẫu nhiên, vô cảm.

Theo nhà thiết kế Chương Đặng, hơn một năm qua, khi dịch bệnh bùng phát trong hoảng loạn ở Mỹ, anh luôn nhận được câu: “Hang-in-there” là một câu khích lệ đừng bỏ cuộc, nhưng không hô hào, cổ động kiểu “ráng lên, cố lên” vì phải có sức mới ráng được… Còn “Hang-in-there” thực sự chính xác trong mùa dịch. Nó giống như sự nhắc nhở: “Cứ yên đấy đã” – kìm hãm mình một chút, đừng hung hăng, đừng có ích kỷ, đừng đặt mình trước việc chung. Cách này giúp chúng ta tập làm quen với tính cách của mình, quan sát nhịp thở tốt hơn, chu đáo hơn, ân cần hơn…

Anh chia sẻ: “Hang-in-there” phù hợp cho dù bạn đang ở đâu trên địa cầu… Tôi đã ở một nơi nhận được nhiều chỉ trích và trải qua rất nhiều kịch tính. Tôi thấy những con người mạnh mẽ, giàu ý chí, giàu tình cảm đều kiên trì “Hang-in-there”. Hành trình chúng ta đang đi có tên của sự khiêm nhường. Bởi bạn sẽ bất ngờ vì ngôn ngữ mình đang sử dụng mỗi ngày cũng có thể là mũi dao đâm vào tim, vào óc. Một người viết có tầm ảnh hưởng mà nghĩ rằng mình sẽ thay đổi suy nghĩ của tất cả mọi người thì thật là vĩ cuồng. Thậm chí chỉ là thay đổi một gia đình. Thế thì đi nấu một món gì ngon ngon mà lại hơn. Có một đoạn gia đình tôi sa sút, mẹ tôi bảo: “Lúc nhà mình khó khăn, các con đừng cãi nhau. Vì người nhìn vào sẽ nghĩ mình cãi nhau vì nghèo khổ thì không ra sao”. Tất nhiên, mẹ tôi luôn có lý do để khuyên các con đừng cãi nhau. Và con đường thoát nghèo hết sức đơn giản, đó là chỉ tập trung duy nhất vào việc mình cần làm”… Dẫu có người “thoát nghèo” mà vẫn không “thoát khổ”, bởi đó là lựa chọn của chính bạn, anh hài hước bày tỏ…

Còn theo nhà báo Nguyễn Gia Hiền, “có lẽ điều chúng ta cần hơn lúc nào hết, ấy là mỗi người dân chúng ta tự bảo vệ an toàn cho mình và gia đình, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và cùng giữ an toàn cho cộng đồng, mà trước mắt là người thân, xóm giềng… Sự chia sẻ có thể chỉ cần giản dị như vậy! Chính ý thức tự bảo vệ của mỗi người, mỗi gia đình là yếu tố quan trọng giúp hệ thống y tế không quá tải. Nguồn lực y tế dù nỗ lực đến đâu cũng là hữu hạn. Vì thế, hãy vì một thành phố sống chung cùng nhau và đây cũng là lúc chúng ta biết rõ cơ hội làm con người đích thực, được tận hiến cho chính sự sống của mình và mọi người, có lẽ đó là lý do chính đáng để thấy rõ trách nhiệm và bổn phận của mỗi chúng ta”.

Và trong những ngày đại dịch này, nếu không làm được điều gì lớn lao thì “xin em ngồi yên đấy” - như lời một ca từ họ Trịnh! Nếu không có năng lượng tích cực thì chúng ta cũng đừng làm sờn lòng người khác, trong cuộc chiến còn nhiều khó khăn phía trước. Khi tất cả đang đồng lòng, nỗ lực đẩy lùi đại dịch…