Xóa “điểm đen” trong ý thức người tham gia giao thông

Cùng với việc xóa “điểm đen” trên các tuyến giao thông, việc xóa “điểm đen” ngay trong ý thức những người tham gia giao thông rất cần thiết. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và chế tài xử phạt đủ mạnh.

Cùng với việc xóa “điểm đen” trên các tuyến giao thông, việc xóa “điểm đen” ngay trong ý thức những người tham gia giao thông rất cần thiết. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và chế tài xử phạt đủ mạnh.

Đường Nguyễn Văn Linh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do lưu lượng phượng tiện đông, trong khi một số người thiếu ý thức vượt rào phân cách sang đường.
Đường Nguyễn Văn Linh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do lưu lượng phượng tiện đông, trong khi một số người thiếu ý thức vượt rào phân cách sang đường.

Gây tai nạn giao thông cũng là một tội ác?

Mỗi năm cả nước có hàng nghìn người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông (TNGT)  số người tử nạn chỉ sau thiệt hại về người do chiến tranh, động đất, sóng thần. Nhiều người bị chết do TNGT là lao động chính trong gia đình, mức độ thương tích làm giảm 70-80% sức khỏe, vĩnh viễn không có khả năng lao động để lại hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội. Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, năm 2009 cả nước xảy ra 12.492 vụ TNGT, làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người; so với năm 2008 giảm 390 vụ (-3,0%), giảm 78 người chết (-0,7%), giảm 152 người bị thương (-1,9%). 33 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT, trong đó có 21 địa phương giảm trên 5%. Đặc biệt, có 5 địa phương giảm hơn 20% số người chết so với năm 2008 là: Cao Bằng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Lâm Đồng. 31 tỉnh, thành phố số người chết tăng, trong đó 7 địa phương tăng trên 25% là: Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa. Tại thành phố Hải Phòng, năm 2009 mặc dù đã nỗ lực giảm được cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương do TNGT, nhưng vẫn có hơn 100 người thiệt mạng.

Rõ ràng gây ra TNGT cũng là một tội ác cần lên án. Mới đây TAND huyện Thủy Nguyên vừa tuyên phạt Hoàng Biên Thùy, sinh năm 1980 ở thôn Trại Kênh, xã Kênh Giang, 12 tháng tù giam và phải bồi thường gần 57 triệu đồng cho gia đình nạn nhân về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thùy đi xe máy với tốc độ cao trên quốc lộ 10, không làm chủ, đâm vào xe máy ngược chiều do chị Lê Thị Bình, ở xã Gia Đức điều khiển, khiến chị Bình bị thương nặng, sau đó thiệt mạng. Bản thân Thùy cũng bị thương. Không chỉ ở Hải phòng, nhiều địa phương khác trong cả nước đang thực hiện mức xử phạt nặng đối với những người gây ra TNGT. Tại thành phố Hồ Chí Minh, bản án 18 tháng tù giam dành cho kẻ ba lần cho xe công-ten-nơ lăn qua người bị nạn đến chết đã làm những người có lương tâm hết phẫn nộ.

Hình thành văn hóa giao thông

Hướng tới giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là mong mỏi chung của các nhà quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng như cộng đồng. Tại hội nghị ATGT toàn quốc vừa tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: trong năm 2010, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hình thành “văn hóa giao thông” bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực sát với tình hình từng địa phương; các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm. Tại diễn đàn này, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT thành phố Hải Phòng Đàm Xuân Lũy bày tỏ: Cùng với việc xóa “điểm đen” trên các tuyến giao thông, việc xóa “điểm đen” ngay trong ý thức những người tham gia giao thông là rất cần thiết. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và chế tài xử phạt đủ mạnh mới cải thiện được tình hình. Hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy thực hiện chưa tốt ở vùng nông thôn, buổi tối ở đô thị. Trẻ em ngồi trên mô-tô, xe gắn máy không đội MBH còn phổ biến. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT chưa đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên, nhất là đối với thanh niên, người dân ở vùng nông thôn. Đặc biệt, ở một số địa phương, tình trạng tái lấn chiếm tại những điểm đã giải tỏa cũng đang có xu hướng tăng trở lại.

Về công tác tuyên truyền, cần sáng tạo, “lấy những đoạn đường không thấy bóng dáng CSGT mà dân vẫn tự giác chấp hành, vẫn ý thức để làm thước đo hiệu quả”. Về ưu tiên xóa điểm “đen” tai nạn giao thông, các địa phương cần đề xuất cơ chế đặc thù, bởi con số người chết, bị thương chỉ giảm 1,9 và 0,7% còn quá xa 5% (chỉ tiêu năm 2009). Trong năm 2010, các địa phương thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, kiên quyết xử phạt những người sử dụng giấy phép lái xe giả khi tham gia giao thông, nhất là những kẻ làm giấy tờ giả. Bởi đây chính là căn nguyên tiếp tay cho những người thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Đồng thời xem xét lại chất lượng đào tạo tại các cơ sở dịch vụ dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ hiện đang mọc lên như “nấm sau mưa”. Khi người tham gia giao thông làm chủ được tay lái, có ý thức với cộng đồng, ứng xử văn hóa mới cải thiện được tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn Hải Phòng.

                                                                               Anh Tú

Đọc thêm