Xoá độc quyền dịch vụ chung cư

Độc quyền cung cấp dịch vụ tại các khu chung cư, đô thị mới hiện nay là thực trạng phổ biến. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xoá bỏ sự độc quyền ấy lại không đơn giản.

Độc quyền cung cấp dịch vụ tại các khu chung cư, đô thị mới hiện nay là thực trạng phổ biến. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xoá bỏ sự độc quyền ấy lại không đơn giản.

Ít ai nghĩ rằng, ở một không gian sống văn minh như các khu đô thị mới, cư dân lại không có cơ hội để lựa chọn các nhà cung cấp các dịch vụ tốt nhất theo ý muốn, ví dụ như với các dịch vụ viễn thông (điện thoại, Internet…).

Bởi đặc thù ở các chung cư là các dịch vụ tối thiểu ngoài điện, nước như hệ thống gas trung tâm, điện thoại, Internet, truyền hình cáp… đều đã có những nhà cung cấp “bao thầu” từ trước, nên cư dân ở đây phải chấp nhận việc “có gì dùng nấy” kể cả khi dịch vụ đó có không đạt chất lượng như mong muốn.

Nhưng thực tế lại cho thấy, để xóa bỏ được sự độc quyền này không phải chỉ đơn giản là mở rộng đối tượng hay cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ.

Giống như một vài chung cư khác, hộp kỹ thuật ở Tòa nhà JSC 34, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, HN đã bị người dân “bất đắc dĩ” cậy ra để tự xử lý khi hệ thống điện thoại, Internet có trục trặc.

Lý do là dịch vụ viễn thông của tòa nhà không đáp ứng được về mặt chất lượng, nhưng người dân lại không có quyền được lựa chọn một nhà cung cấp khác, bởi đã có một doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng độc quyền với chủ đầu tư trong quá trình thi công tòa nhà. Điều này đã gây nên những xung đột và ức chế cho cả người dân lẫn Ban quản lý tòa nhà.

Anh Lưu Ngọc Vinh - Tòa nhà JSC 34, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, HN cho biết: "Chất lượng đường truyền ở đây rất kém, không đáp ứng được, chúng tôi muốn đổi nhà cung cấp khác thì cũng không được. Đã có trường hợp một công ty ở tầng dưới muốn kéo mạng của Viettel vào, thế là xung đột, phải gọi Công an vào giải quyết, cuối cùng họ phải bỏ tiền mua cả hạ tầng dây cáp của EVN ở căn của họ rồi để cho dịch vụ của Viettel chạy vào đó".

Theo Ông Dương Quang Tuấn, Phó Ban Quản lý tòa nhà JSC 34, Công ty CP Đầu tư Xây dựng 34: "Có hợp đồng độc quyền cho EVN khai thác, nhưng không thấy điều khoản nào nói là không cho phép nhà mạng khác vào lắp đặt. Có điều là không được đi nổi dây gây mất mỹ quan, phải đi ngầm vào tường…"

Tuy nhiên, với những tòa nhà hàng chục tầng đã có người vào ở, việc thi công một hệ thống dây ngầm, cáp ngầm để đạt được hiệu quả kỹ thuật và mỹ thuật quả là một thách thức mà không phải nhà cung cấp viễn thông nào cũng có khả năng thực hiện.

Còn một thực tế khác: Với đặc thù của ngành đòi hỏi đầu tư nhiều như viễn thông thì chỉ có các doanh nghiệp có tài chính dồi dào mới dám rải dây, đặt tổng đài khắp các toà chung cư mà không phải lo lắng đến việc bao giờ sẽ thu hồi vốn.

Với những trở ngại đó, việc “lách luật” bằng cách cố tình hiểu sai nghĩa của từ “độc quyền” cũng chỉ thể hiện sự bế tắc hiện nay khi chưa xuất hiện một cơ chế nào thực sự ưu việt giúp xóa bỏ độc quyền trong vấn đề cung cấp dịch vụ ở các chung cư.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết: "Đối với các dịch vụ khác thì chúng ta phải khuyến cáo và chủ đầu tư trên cơ sở thỏa thuận với người mua. Tôi nghĩ chúng ta không nên áp đặt, chỉ giải quyết những vấn đề gì mang tính thiết yếu, vì dụ an toàn công trình, điện, nước..., còn những dịch vụ khác thì bây giờ cạnh tranh rất mạnh, chúng ta nên để việc thỏa thuận đó cho chủ đầu tư và người dân. Vì nếu dịch vụ tốt, giá thành cạnh tranh thì người dân sẽ lựa chọn".

Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, không người mua nào chọn nhà dựa trên tiêu chí đơn vị cung cấp dịch vụ Internet. Vì vậy, việc đẩy trách nhiệm cho người dân là không hợp tình, hợp lý.

Tuy nhiên cũng không có quy định nào cấm chủ đầu tư chọn nhà cung cấp độc quyền, bởi nhà cung cấp sẽ chia sẻ chi phí đầu tư hạ tầng với chủ đầu tư. Người dân chỉ có thể hy vọng vào trách nhiệm và uy tín của doanh nghiệp, những đơn vị độc quyền tòa nhà nhưng không độc quyền trên 1 thị trường cạnh tranh.

Theo VTV

Đọc thêm