|
Ông Dương Đăng Huệ: Không cần xây dựng Luật Tài chính công |
Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính công mặc dù đã có những bước phát triển nhất định nhưng trong thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít hạn chế. Nổi bật là chu trình NSNN có trình tự, thủ tục khá phức tạp, nhất là ở khâu lập dự toán và quyết toán NSNN, thủ tục rườm rà và còn phụ thuộc nặng nề vào cơ quan cấp trên.
Trong khi thời gian xây dựng dự toán ngân sách cho năm sau còn sớm và kéo dài thì xem xét, quyết định dự toán của chính quyền địa phương lại ngắn nên khó đưa ra các dự báo, đánh giá chính xác. Tính lồng ghép ngân sách ở địa phương mặc dù có những ưu điểm nhưng nhược điểm cũng rất lớn và ngày càng cản trở khả năng tự chủ của các cấp ngân sách, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.
Trong khi đó, quy định về phân cấp một số nguồn thu có nhiều bất cập. Chẳng hạn như quy định “cứng” để lại tối thiểu 70% một số khoản thu cho ngân sách xã, thị trấn; quy định nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là nguồn thu 100% của ngân sách địa phương; nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết được để ngoài ngân sách; thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành là nguồn thu 100% của ngân sách trung ương. Việc xây dựng dự toán thu ngân sách còn thiếu các căn cứ số liệu chính xác từ thực tiễn và chưa đảm bảo thật sự minh bạch đối với nguồn thu bổ sung.
Không những thế, pháp luật về nợ công chưa quy định rõ ràng thẩm quyền quản lý nợ công giữa các cấp Bộ, ngành và địa phương. Cách hiểu về nợ chưa đúng chuẩn mực quốc tế như không tính đến các khoản nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% hoặc nắm vốn chi phối, các khoản nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ngoài ra, quy định liên quan đến giới hạn vay nợ của chính quyền địa phương theo Luật NSNN còn ảnh hưởng tới những địa phương có khả năng trả nợ tốt.
Cần có Luật Tài chính công?
Nhiều quan điểm cho rằng, pháp luật tài chính công Việt Nam cần phải có sự đổi mới nhanh chóng hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. PGS.TS Phạm Thị Giang Thu (Đại học Luật Hà Nội) phân tích, việc đổi mới pháp luật tài chính công cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tiếp tục hoàn thiện chế độ tự chủ tài chính đối với đơn vị sử dụng ngân sách…
Cụ thể, cơ cấu lại khoản thu giữa các cấp ngân sách bằng việc tăng cường nguồn thu cho ngân sách huyện và xã; xem xét lại quy định ưu đãi thuế đối với việc mua nhà ở xã hội; định nghĩa nợ công phù hợp với thông lệ quốc tế; tách hai trường hợp cần thực hiện đấu thầu theo Luật Đấu thầu thành các dự án có vốn có nguồn gốc ngân sách từ 30% trở lên và các dự án có tỷ lệ vốn ít hơn song mức vốn nhà nước đạt ngưỡng nhất định…
Tuy nhiên về lâu dài, pháp luật tài chính công cần sửa đổi một cách tổng thể với một cấu trúc thống nhất, “tránh việc sửa đổi vụn vặt sẽ càng làm tăng thêm những khó khăn trong quá trình cải cách tài chính công tại Việt Nam”. Trên cơ sở đó, bà Thu đề xuất một giải pháp khá “sốc” là xây dựng Luật Tài chính công (hoặc Luật Tài chính nhà nước), chứ không phải sửa đổi Luật NSNN cùng với việc từ bỏ việc xây dựng Luật Đầu tư công và không nên quy định thêm các Quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Ngược lại, PGS.TS Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) không “mặn mà” với đề xuất sẽ ban hành Luật Tài chính công. Ông Huệ lý giải, do có nhiều bộ phận độc lập nên nếu xây dựng thì phải là Bộ luật Tài chính công rất cồng kềnh, trong khi xu hướng lập pháp trên thế giới hiện nay là phi bộ luật hóa. Đối với việc không xây dựng Luật Đầu tư công thì ông Huệ cũng không tán thành bởi Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 cho thấy “Luật này rất hay, rất cần thiết”…