Học sỹ Xoày Trọng Chấm tên thật là Phạm Dũng sinh năm 1959 tại Hà Nội, đã tốt nghiệp khóa diễn viên - đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Phạm Dũng hiện làm giảng viên trường Đại học Văn hóa Tp.HCM và một nhà văn hóa dân gian. Không chỉ vậy, anh còn là một “tay chơi” đồ cổ có tiếng trong giới.
- Xem chương trình Hỏi xoáy đáp xoay tối 10/3, rất nhiều khán giả truyền hình thắc mắc chuyện, tại sao người thế vai GS. Xoay lại có cái tên khá đặc biệt: Học sỹ Xoày Trọng Chấm?
Lý do là…do chương trình đặt tên thôi! Trước là Cù Trọng Xoay thì đọc ngược lại là Xoày Trọng…À, nhưng chắc là hơi nhạy cảm nên đặt là “Chấm” đó mà! Đối với tôi, cái tên chỉ là một cái tên, còn ý đồ rao sao thì cũng không rõ nữa.
- Sự ra mắt công chúng số đầu tiên của anh có vẻ không được “ấn tượng cho lắm?
Số đầu tiên chỉ là giới thiệu nhân vật mới thôi nên tôi không có quá nhiều đất diễn. Đây là ý đồ kịch bản.
- Lý do gì để đạo diễn Thanh Hải chọn anh là gương mặt thay thế GS. Cù Trọng Xoay là gì?
Câu chuyện rất đơn giản. Năm vừa rồi, tôi ra Hà Nội ăn tết thì thấy có một cú điện thoại, mời tham gia chương trình. Tôi mới hỏi: Có hai nhân vật thì sẽ mời tham gia vai vào? Anh ấy trả lời tôi là thế chỗ GS Xoay vì anh ấy bận đi công tác không tham gia tiếp được. Và tôi nhận lời một cách thoải mái, không hề vướng mắc, lăn tăn một điều gì. Với tôi, đây là một cuộc chơi vui vẻ. Thế thôi!
Còn về lý do tại sao ê kíp lại chọn tôi thì quả thực cũng không rõ nữa vì nghệ sỹ ở Việt Nam có quá nhiều! Có lẽ, cách đây hơn 1 năm tôi từng làm một chương trình truyền hình. Chắc là chương trình đó để lại ấn tượng sâu sắc nào đó cho anh Hải.
- Nếu tự đánh giá, anh thấy mình sở hữu những yếu tố nào phù hợp với Hỏi xoáy đáp xoay?
Trước hết, tôi không bao giờ so sánh bản thân với GS Cù Trọng xoay làm gì! Tôi khẳng định rằng, bản thân mỗi con người đều có một sở trường riêng. Tôi không bao giờ bắt chiếc hay đi diễn 2 lần phong cách của một người đi trước.
Tôi từng viết kịch bản Gặp nhau cuối tuần, viết chương trình hài nên tin vào khả năng dí dỏm của mình. Tại chương trình, tôi sẽ tìm một phương pháp khác, cách thể hiện khác với GS Xoay trước đó.
- Anh sẽ xây dựng hình ảnh học sỹ Xoày Trọng Chấm ra sao?
Cái này thì chưa thể nói trước điều gì! Tuy nhiên, tôi sẽ không cố diễn theo một hình ảnh nào đó mường tượng trong đầu. Thứ nhất, kịch bản chỗ nào diễn được thì diễn, chỗ nào sửa được thì cứ sửa.
Học sỹ Xoày Trọng Chấm: "Với tôi, đây là một cuộc chơi vui vẻ. Thế thôi!"
Bình thường người ta có lối suy nghĩ sáo mòn rằng phải thi thố sao cho bằng hoặc hơn ông ban đầu, nhưng tôi nghĩ khác. Đây là một cuộc chơi chứ không phải một nơi để tạo áp lực. Thà cứ thoải mái, tự nhiên diễn chắc chắn sẽ đạt thành tích cao hơn.
Đây là một cuộc chơi, không có toan tính nên phải vì lợi ích chung chứ không thể tính toán sao cho mình nổi bật hơn người ta. Mà khi tính toán rồi rất dễ bị cứng nhắc.
- Chẳng hạn, nếu một số fan hâm mộ GS Cù Trọng xoay rằng: Dù Xoày Trọng Chấm có diễn tốt hơn GS Xoay đi nữa thì cũng chỉ là một người thế chân đến sau, thành công trên nền tảng GS Xoay tạo lập từ trước. Anh nghĩ sao?
Tôi chẳng quan tâm điều đó! Có đến sau hay đến trước thì khán giả bỏ thời gian ra xem sẽ phải tỏ chính kiến, quyền nhận định của họ. Quan điểm của tôi là: việc diễn hay dở hơn người đi trước không không quá quan trọng. Điều quan trọng của người nghệ sỹ là đưa lại sự thỏa mãn, đưa lại tiếng cười, sự vui vẻ cho khán giả. Đó mới là mục đích chính của người nghệ sỹ, chứ không phải lên truyền hình để so sánh với người khác.
- Một chương trình trò chuyện kiểu Hỏi xoáy đáp xoay rất cần sự tung hứng của anh và Xuân Bắc, không rõ 2 người từng gặp gỡ, trò chuyện với nhau?
Chưa gặp bao giờ, mặc dù hai anh em cũng biết nhau. Đây là lần đầu tiên gặp Xuân Bắc ở chương trình đó ở trường quay.
- Anh có gặp khó khăn khi làm việc với Xuân Bắc?
Không hề. Hai chúng tôi đều cố gắng thích ứng để diễn.
- Bên cạnh vai trò học sỹ Xoày Trọng Chấm trên truyền hình, anh còn là một giảng viên trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Sau số đầu phát sóng thì đồng nghiệp, sinh viên, của anh có phản hồi gì?
Có chứ. Họ hỏi tôi sao ít đất diễn thế. Tôi nói lại rằng: À đó là do kịch bản, ý đồ chương trình. Lần đầu tôi chưa trả lời gì chưa, đợi số sau sẽ thấy ngon lành. Mọi người lại cười thôi.
- Sinh viên có thay đổi cách gọi từ thầy thành học sỹ Xoày Trọng Chấm?
Ồ, không! Tôi là một giáo viên nghiêm khắc nên học sinh của tôi không gọi như thế. Chắc họ chỉ gọi vậy khi ngồi quán trà đá buôn chuyện thôi!
Theo GDVN