Xôn xao làng bánh Tết

Nhiều loại bánh gắn bó với những mảnh đất và con người làm ra nó. Thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến (Hòa Vang) nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Mỗi khi sắp đến Tết, khoảng 4-5 lò làm bánh tráng trong làng lại đỏ lửa. Bánh tráng Yến Nê có hương vị riêng.  

Bánh “làng”

Một công đoạn làm bánh tráng. (ảnh tư liệu)

Nhiều loại bánh gắn bó với những mảnh đất và con người làm ra nó. Thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến (Hòa Vang) nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Mỗi khi sắp đến Tết, khoảng 4-5 lò làm bánh tráng trong làng lại đỏ lửa. Bánh tráng Yến Nê có hương vị riêng. Phần lớn những người làm bánh ở đây chỉ làm vào dịp Tết. Chị Lê Thị Hường, ở Yến Nê, cho biết: Chị làm bánh tráng, mì Quảng tươi và mì sợi phơi khô cung cấp cho các chợ đầu mối. Mỗi ngày chị tráng trên 50kg bột gạo. Cuối năm, gia đình chị tập trung làm bánh tráng để bán Tết cho các mối buôn và số lượng khách đặt mua khá đông. Bánh được bán rất nhiều loại. Giá một chục bánh từ 25.000 - 50.000 đồng. Ngày Tết, lò bánh phải thuê thêm người phục vụ, phơi bánh.

Bánh ít lá gai Phong Nam, xã Hòa Châu (Hòa Vang) đã nổi tiếng ở nhiều hội chợ, triển lãm. Nhiều gia đình ở Phong Nam làm bánh quanh năm, bán cho các chợ hoặc bán cho khách đặt làm, cho những lễ hội... Vào ngày Tết, ngoài bánh ít, còn rất nhiều loại  bánh khác như bánh chưng, bánh tét, bánh ú... được khách hàng đặt gói. Chị Nguyễn Thị Nhạn, người gói bánh nổi tiếng nơi đây, cho hay: “Mỗi năm, khách hàng đặt chị gói hơn 300 đòn bánh tét, gần một nghìn bánh ít lá gai. Do nhiều nhà gói bánh Tết,  lá gói bánh (lá chuối) trở nên khan hiếm”.

Bánh khô mè Quan Châu, xã Hòa Châu (Hòa Vang) cũng là sản vật có tiếng ở Đà Nẵng. Mỗi năm vào độ giáp Tết, rất nhiều gia đình ở đây làm bánh khô mè cung cấp cho thị trường Tết. Chị Nguyễn Thị Thủy làm bánh khô mè gần chục năm nay. Theo chị, làm bánh khô mè trải qua rất nhiều khâu, rất vất vả nhưng chị vẫn bám theo nghề truyền thống. Bánh khô mè Quan Châu được tiêu thụ rộng khắp, là món quà quê đặc trưng của vùng này. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn sản xuất thêm bánh in, bánh đậu xanh... theo nhu cầu của khách hàng.

Lấy công làm lời

Các loại nguyên liệu làm bánh Tết tăng cao, giá bán bánh cũng tăng theo. Lượng tiêu thụ ở các làng bánh năm nay không cao và nhộn nhịp như mấy năm trước. Chị Nhạn cho biết, trước kia gần đến Tết, khách hàng đặt gói bánh rất nhiều, khoảng 300 - 400 đòn bánh tét, chị không dám nhận vì sợ gói không kịp. Bây giờ chỉ khoảng 100 đòn. Bánh năm này chị lấy công làm lời, vì làm bánh lâu năm rất ngại tăng giá bánh, trong khi nếp, đậu xanh, đường... đều tăng.

Người làm bánh tráng ở Yến Nê cũng mang nỗi lo chung, là tiêu thụ giảm. Phần đông khách ở quê đặt mua bánh với giá bình dân (từ 10.000 - 30.000 đồng/chục bánh), nhưng vẫn không nhiều. Bánh tráng cao cấp chủ yếu để làm quà biếu cuối năm. Giá cả nguyên liệu làm bánh tăng nên giá bánh cũng cao hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, bánh tráng vẫn có đầu ra tốt hơn so với nhiều loại bánh Tết khác.

Theo giá thị trường, bánh khô mè Quan Châu cũng tăng. Bánh khô bao trơn và đóng gói, mỗi bì gồm 100 bánh, được bán với giá từ 80.000 - 100.000 đồng, tùy theo loại. Theo nhiều người làm bánh, họ chỉ lấy công làm lời.

Nhìn chiếc bánh tráng sẫm màu, phủ kín gia vị được nướng trên bếp than đỏ rực, thơm phức, như níu chân những người con xa quê. “Chỉ mong đến Tết để được về quê ăn bánh tráng” trở thành mong ước bình dị của nhiều người. Các làng bánh Tết ở quê, dù chưa có thương hiệu nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng.

H. PHƯỚC

Đọc thêm