Đà Nẵng Điện tử ngày 3-1-2010 đăng tin: 638 du khách đến từ Anh, Mỹ, Đức, Nhật... đã cập cảng Tiên Sa và đã được tặng những bó hoa và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp đầu năm mới... Đây là những vị khách du lịch đầu tiên xông đất Đà Nẵng năm 2010.
Có lẽ, đó là một trong những tin vui nhất mở đầu năm 2010 - năm được dự báo là Việt Nam sẽ “thạnh hổ, hiển long” với rất nhiều mơ ước và nỗ lực, năm của rất nhiều những ngày kỷ niệm trọng đại: 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm Tết trồng cây đầu tiên do Hồ Chủ tịch phát động, 35 năm thống nhất đất nước, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chuyện “xông đất” không hề là ngẫu nhiên: Đó là kết quả của sự nỗ lực rất nhiều của ngành Du lịch nói riêng, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng nói chung. Thống kê cho biết năm 2009, ngành Du lịch Việt Nam thất thu khá lớn vì du khách nước ngoài giảm đến mức đáng lo ngại: Chỉ có 3,77 triệu du khách đến - có nghĩa là giảm 10,8% so với năm 2008 (VnEconomy, 30-12-2009). Những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ là một lý do. Cái chính là chúng ta vẫn chưa tạo nên một bước đột phá để thay đổi cách nhìn về tiếp thị, tổ chức du lịch. Nếu chúng ta biết rằng số lượng gần 4 triệu du khách nước ngoài chỉ bằng 1/3 so với lượng khách đến Singapore - nước chỉ có diện tích lớn hơn đảo Phú Quốc một chút!
Nói như thế để thấy rằng, Việt Nam vẫn còn lãng phí nhiều lắm tiềm năng và nội lực khi đặt mục tiêu thu hút du khách nước ngoài. Riêng Đà Nẵng, năm 2009, ngành du lịch vẫn tăng trưởng 3,5% và, theo ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Đà Nẵng thì dự báo trong quý 1 năm 2010, sẽ có 19 chuyến tàu du lịch đến Đà Nẵng, với 11.650 du khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2009!
Xét về các chỉ số kinh tế và bảo vệ môi trường thì nền “Công nghiệp không khói” là hiệu quả nhất so với tất cả những ngành kinh doanh khác. Trên thế giới ngày nay, có ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ sống nhờ vào du lịch. Đà Nẵng là thành phố có một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, là trung tâm của một chuỗi Di sản Văn hóa thế giới, là những lợi thế không phải địa phương nào cũng có được. Nhưng, biến cái tiềm năng thành hiện thực tất nhiên bao giờ cũng khó.
Thay đổi tư duy và đột phá về tiếp thị là những yêu cầu bắt buộc để con rồng Việt Nam bay cao, bay xa. Chẳng hạn, nếu không có một hoặc vài sản phẩm đặc thù làm kỷ niệm thì du khách sẽ rất buồn khi rời xa một miền đất mà họ chẳng giữ được gì để nhớ, để trở lại. Tại sao không thể nâng công nghệ chế tác đá Ngũ Hành Sơn thành cái riêng hấp dẫn, cuốn hút và không thể chối từ? Tại sao không thể làm sống lại phố ẩm thực bên bờ sông Hàn như cách đây vài năm cho du khách có thể thức suốt đêm?
Đến và nhớ để không thể nào quên, để ước ao ngày trở lại chính là thành công của ngành du lịch. Mỗi người dân Đà Nẵng rất vui vì tín hiệu ngọt ngào của sự “xông đất” đầy khích lệ. Sẽ vui nhiều hơn nữa nếu thành phố của chúng ta đẹp hơn, thân thiện và khó quên hơn… Chúc cho một năm mới tốt lành và sự an khang, thịnh vượng đến với tất cả mọi người...
TÔ VĨNH HÀ