Nhận được tin có nhóm đối tượng gây rối trong thôn, anh Hoàng Văn Hòa (SN 1972, trật tự viên của thôn Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) lập tức ra hiện trường giải quyết và bất ngờ bị một nhóm côn đồ hành hung dẫn đến tử vong. Cái chết tức tưởi của người "vác tù và hàng tổng" khiến người dân địa phương xót xa...
Hiện trường vụ án chống người thi hành công vụ |
Án mạng từ món nợ 200 nghìn đồng
Trưa 9/1/2013, khi đang ngồi chơi trong thôn Ấp Đồn, Nguyễn Văn Quyết (SN 1974, ngụ Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong) bị một người dân trong thôn đến đòi tiền. Món nợ chỉ là 200 ngàn đồng nhưng Quyết đã vay từ lâu mà vẫn chưa hoàn trả.
Vốn là "tay anh chị" có tiếng trong khu vực, xấu hổ vì bị đòi nợ giữa đường nên Quyết vô cùng bực tức. Hắn gọi một "đàn em" đến, chỉ tay vào mặt chủ nợ và ra lệnh: "Mày nhớ kỹ mặt thằng này rồi cho nó ăn bã trầu" (ý nói đánh cho chảy máu - PV). Không đòi được tiền lại còn bị dọa dẫm, chủ nợ đã lớn tiếng thách thức. Quyết lập tức vớ chiếc kéo của người bán hoa quả để tấn công chủ nợ.
Vì sinh sống ở gần đó nên người thân của chủ nợ kịp thời kéo ra hỗ trợ. Yếu thế hơn, Quyết không dám hành hung nữa mà đe nẹt rằng "sẽ cho đàn em đến thu tiền "bảo kê" hết các quán hàng ở thôn Ấp Đồn trong hôm nay".
Sau đó đối tượng leo lên xe, phóng đi gọi đồng bọn. Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, người dân liền gọi điện báo sự việc cho trưởng thôn. Khoảng 14h cùng ngày, nhóm đối tượng do Quyết cầm đầu gồm khoảng 8 người phóng xe máy quay lại. Thấy bọn chúng "sát khí đằng đằng", chủ nợ vội đóng kín cửa, chờ lực lượng an ninh thôn tới cứu nguy.
Nhận được tin báo, trưởng thôn Ấp Đồn đã đề nghị bốn trật tự viên, trong đó có anh Hòa, đến ngay nơi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, các trật tự viên vừa tới hiện trường, nhóm của Quyết đã dùng gạch đá tấn công. Anh Hòa bị đập nhiều nhát vào đầu, gục ngã xuống đất.
Thấy nạn nhân bất tỉnh, nhóm đối tượng gây án vội bỏ chạy, để lại hiện trường một chiếc xe máy. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh Hòa tử vong sau đó. Theo kết luận của pháp y, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nạn nhân là do đa chấn thương vùng đầu, chấn thương não, sập vỡ hộp sọ.
Người dân cho biết, đối tượng Quyết là "dân anh chị" khét tiếng ở địa phương. Gần một năm nay, đối tượng chỉ huy một nhóm đàn em chuyên làm “luật”, đòi tiền "bảo kê" các quán hàng trong địa bàn thôn. Người dân mặc dù rất ức chế, nhưng vì muốn yên ổn làm ăn, lại e ngại đám giang hồ nên hàng tháng vẫn phải chấp nhận nộp tiền.
Một người dân bức xúc: "Đối tượng Quyết và đám đàn em chẳng kiêng dè ai, mấy quán hàng ở đây đều bị thu tiền bảo kê mà chẳng dám chống lại. Ai ngờ, bọn chúng còn dám giết cả người của chính quyền".
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, công an xã Yên Trung phối hợp công an huyện Yên Phong đã tiến hành thu thập thông tin, xác minh các đối tượng gây án lập hồ sơ vụ việc. Quyết cùng đồng bọn đã ra đầu thú, bị tạm giữ để điều tra và xử lý theo pháp luật.
Người “vác tù và hàng tổng”
Vợ của anh Hòa vẫn còn bàng hoàng đau đớn vì sự ra đi đột ngột của chồng. Chị tâm sự: "Buổi sáng anh ấy vẫn còn đi làm bình thường, rồi đến chiều được gọi đi giải quyết việc của thôn. Ai ngờ tai họa lại xảy đến nhanh như thế…".
Vợ nạn nhân thẫn thờ sau cái chết của chồng |
Nạn nhân là con áp út trong một gia đình có 9 anh chị em. Nhà chỉ dựa vào mấy sào ruộng, lại đông con nên kinh tế khá khó khăn, anh Hòa chỉ học hết cấp hai rồi nghỉ học ở nhà làm ruộng phụ giúp gia đình. Năm 1994, anh kết hôn và có hai người con trai đều đang đi học. Ở địa phương, anh được tiếng là người hiền lành, chăm chỉ. Ngoài thời gian phụ vợ con làm đồng áng thì công việc chính của anh là làm thợ xây.
Anh Hòa mới tham gia vào đội trật tự khoảng nửa năm nay, một phần do được chính quyền thôn tin tưởng, cộng với bản tính của anh vốn nhiệt tình, năng nổ với việc của làng của xóm. Vợ anh ngậm ngùi: "Ban đầu, khi anh ấy nhận làm trật tự viên, tôi đã ngăn cản bởi công việc đó vừa vất vả lại có phần nguy hiểm, lương lậu cũng chẳng đáng là bao. Nhưng thấy anh ấy kiên quyết nên tôi cũng đành đồng ý".
Ông Lê Xuân Binh, trưởng thôn Ấp Đồn cho biết, ở mỗi thôn thường có một đội trật tự khoảng 6 người. Đội này là do chính quyền thôn và người dân tín nhiệm mà bầu lên, công việc chính là tuần tra, giữ gìn an ninh trong mỗi thôn xóm. Tuy nhiên, cũng theo ông trưởng thôn, đây là công việc chẳng ai muốn nhận.
Bởi các trật tự viên khi làm nhiệm vụ rất dễ xảy ra va chạm khiến mất lòng hàng xóm láng giềng, hơn nữa tiền phụ cấp lại khá "bèo". Vì thế, chỉ những người nhiệt tình trong công tác xã hội, chấp nhận "vác tù và hàng tổng" mới dám đưa vai gánh vác nhiệm vụ này.
Ông trưởng thôn cho biết chi phí thành lập đội trật tự do người dân trong thôn tự chi trả, mỗi năm là 10 tấn thóc. Theo giá thóc hiện thời là 400 nghìn đồng/1 tạ thì cả năm làm việc, mỗi trật tự viên mới có được gần 7 triệu đồng, tính ra lương hàng tháng chưa đầy 600 nghìn đồng.
Gia cảnh khốn khổ
Hàng ngày, anh Hòa vẫn đi làm phụ xây quanh thôn, nếu có việc đột xuất cần đến trật tự viên là anh bỏ công việc đó để chạy về. Các buổi tối, anh còn tham gia trực và tuần tra an ninh.
Vợ anh kể: “Anh ấy thường phải trực đêm, giờ giấc cũng chẳng ổn định, hôm thì 11, 12h đêm anh ấy mới về. Có hôm mới 3, 4h sáng, cả nhà đang ngủ mà có điện thoại gọi đến là anh ấy cũng bật dậy đi ngay. Công việc mưu sinh ban ngày đã vất vả mà đến tối còn phải làm việc làng, việc xóm. Nhiều lần thương chồng quá, tôi có khuyên anh ấy nghỉ nhưng anh ấy không chịu, bảo việc khó khăn, mình không làm thì ai làm”.
Không chỉ vất vả, người trật tự viên dù chỉ hoạt động trong địa bàn thôn nhưng cũng gặp không ít nguy hiểm. Người vợ kể mới đây trong thôn có đám cưới, mấy người uống rượu say rồi cầm dao gây gổ, dọa dẫm nhau. Anh Hòa được gọi ra can thiệp mà chị ở nhà cứ lo ngay ngáy. May mắn là lần đó không xảy ra chuyện gì, anh về đến nhà rồi chị mới thở phào nhẹ nhõm.
"Mỗi lần anh ấy đi làm nhiệm vụ, nhất là vào ban đêm, tôi lo lắng lắm, lúc nào cũng chập chờn, ngủ chẳng ngon giấc, chỉ khi thấy anh ấy về đến nhà tôi mới yên tâm”, người vợ đau xót trải lòng.
Anh Hòa là trụ cột chính trong gia đình, ngoài vợ và hai đứa con, anh còn nuôi mẹ già, hai đứa cháu nhỏ và người vợ bị khuyết tật của cậu em út vừa mất. Vợ anh Hòa có chạy chợ buôn bán nhưng cũng chỉ đủ tiền mua rau hàng ngày. Thời gian vừa rồi, anh chị có vay tiền xây được mấy căn phòng trọ cho công nhân thuê, định bụng cố gắng làm ăn để trả nợ, rồi còn tích lũy để nuôi các con ăn học. Nào ngờ, tai họa ập xuống quá nhanh khiến mọi dự định tương lai đổ vỡ, con phải mồ côi cha, vợ chịu cảnh mất chồng.
Người dân thôn Ấp Đồn đều rất thương cảm trước hoàn cảnh của nạn nhân. Đâu đâu dư luận cũng lắc đầu ái ngại: "Khổ thân, người tốt như thế lại phải chết oan uổng. Nhà chỉ trông vào anh Hòa làm trụ cột, giờ thì hai đứa con nhỏ lại thêm mẹ già nữa, người vợ một thân một mình chẳng biết sẽ xoay sở ra sao”.
Sau vụ việc, chính quyền và người dân xã Yên Trung đã đến chia buồn, quyên góp một số tiền giúp đỡ gia đình làm tang lễ. Vợ anh Hòa chia sẻ "Mong các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, trừng trị những kẻ phạm tội để trả lại công bằng cho chồng tôi. Cũng mong chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ hai cháu ăn học, anh ấy ra đi đột ngột quá…".
Hà Hải