Xu hướng mua sắm thời lạm phát

 Chi tiêu vừa phải, chọn mua sắm vào những thời điểm có khuyến mãi, giảm giá... là cách tiết kiệm hiệu quả thời khó khăn...

Đi siêu thị vì có hàng bình ổn giá, nhiều chương trình khuyến mãi, ưa thích mua sắm quần áo xuất khẩu vì mẫu mã đẹp, giá lại rẻ; chuộng mua hàng điện tử, điện lạnh trả góp vì có thể quản lý được thu nhập hàng tháng… đó là một số xu hướng mua sắm thời lạm phát.

Khi vật giá leo thang, người tiêu dùng (NTD) phải chi tiêu theo kiểu “thắt lưng buộc bụng”, do đó khi bỏ tiền ra mua sắm một sản phẩm, họ thường tìm kiếm thông tin về sản phẩm hơn trước. Quá trình mua hàng của NTD dài hơn, phần lớn mua hàng có chủ đích rõ ràng, chứ không tuỳ hứng, đặc biệt giá cả là tiêu chí đầu tiên để NTD lựa chọn.

Thời của siêu thị

Dạo một vòng qua các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ tại TP. HCM, đặc trưng dễ nhận thấy tại trung tâm thương mại, người đi mua sắm thuộc thành phần trung lưu, ưa thích hàng hiệu, hàng có xuất xứ từ nước ngoài, nhưng thành phần này chỉ chiếm một lượng rất nhỏ so với dân số tại TP.HCM. Phần đông còn lại là tầng lớp bình dân, công nhân viên chức có mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng lại ưa chuộng đi siêu thị và chợ. Họ chọn chợ chỉ để mua thực phẩm tươi sống hàng ngày. Riêng siêu thị vẫn là kênh được ưa thích nhất để cả gia đình cùng đi shopping.

 

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết NTD đều dành thời gian tham khảo giá cả, mẫu mã, chất lượng nhiều hơn, không còn vung tay mua sắm nhiều như trước. Siêu thị nào có chương trình khuyến mãi kết hợp với giảm giá sẽ thu hút lượng khách và lượng tiền đáng kể. Thấu hiểu khó khăn này của các bà nội trợ, nhiều nhãn hàng đã thực hiện các chương trình khuyến mãi đặc biệt. Chẳng hạn đợt khuyến mãi lớn vào giữa tháng 3 ở hệ thống siêu thị Big C và kỷ niệm sinh nhật của hệ thống Co.op Mart trong tháng 5 vừa qua đã nói lên điều đó.

Gặp chị Hồng đi cùng gia đình tại Co.op Mart Phú Mỹ Hưng, với xe hàng đầy ắp, chị chia sẻ: “Mua trên 500 ngàn được siêu thị tặng phiếu mua hàng trị giá 50 ngàn, mua 120 ngàn sản phẩm của Unilever được tham gia bốc thăm trúng thưởng… nên dù chưa có nhu cầu vẫn mua vì hàng giá rẻ để dành, và …biết đâu trúng thưởng!”.

Tại siêu thị Big C, chị Thảo Trang - thư ký văn phòng một công ty ở quận Tân Bình đi một vòng khắp siêu thị mà cái giỏ vẫn chỉ lèo tèo vài món. Chị bộc bạch: “Trước đây, khi mua hàng tôi chỉ xem qua loa về màu sắc, hình thức và thương hiệu. Nhưng bây giờ, khi giá hàng hóa tăng hơn trước, nên khi muốn mua sản phẩm nào, tôi đọc rất kỹ về nhãn hàng hóa, sau đó so sánh giá cả với sản phẩm cùng loại rồi mới quyết định chọn sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu của mình”.

Thời bão giá, NTD càng thích đi siêu thị mua sắm hơn. Chị Tâm, ngụ ở đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, Quận  Tân Bình cho biết: “Tôi đi siêu thị mua sắm vì ở siêu thị có rất nhiều mặt hàng, giá cả ổn định hơn, các mặt hàng thì đã qua kiểm duyệt. Còn mua ở chợ thì giá cả chênh lệch rất nhiều, đôi khi còn bị cân thiếu, độ an toàn thì không an tâm cho lắm”.

Tiêu chí tiết kiệm được NTD đưa lên hàng đầu, tiết kiệm không có nghĩa là mua những gì có giá rẻ. Với NTD hiện đại, tiết kiệm đồng nghĩa với món hàng đó phải có độ bền, chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh so với dòng sản phẩm cùng loại. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ, môi trường mua sắm sạch đẹp, hậu mãi nhanh và tốt đó chính là lựa chọn hàng đầu của NTD.

Quần áo xuất khẩu, hàng secondhand bán chạy

Giá cả tăng cao do lạm phát cũng khiến một bộ phận NTD chuyển sang mua sắm quần áo xuất khẩu, hàng lỗi mốt giảm giá, hàng xài rồi (hàng second hand). Là một “tín đồ” nghiện mua sắm quần áo thời trang nhưng, bạn Tú Anh - 23 tuổi, nhân viên văn phòng Công ty Hồng Hà ở quận 3 chia sẻ: “Dạo này em ngại đến các trung tâm mua sắm cao cấp như Diamond, Parkson Plaza. Thay vào đó em cùng nhóm bạn thích đi sưu tầm những địa chỉ bán hàng lỗi mốt giảm giá, hàng xuất khẩu với giá cả vừa phải”. Chị biết đó, thời buổi khó khăn mọi thứ đều bất ổn chỉ có lương là “ổn”, do vậy chỉ cần bạo tay mua một bộ đồ trưng bày tại trung tâm lớn hoặc những tiệm sang sang coi như tháng đó nhịn ăn”.

Chị Lan, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 cho hay, thời gian gần đây, NTD đến mua sắm áo quần thời trang thích bớt tiền hoặc kỳ kèo về giá cả. “Cửa hàng chúng tôi có niêm yết rõ giá bán song NTD vẫn cố mặc cả để bớt được chừng nào hay chừng đó, ngay cả khi chọn được bộ đồ rất ưng ý, nhưng vẫn nài nỉ dù chỉ bớt được một vài ngàn”, chị Lan cho biết. Theo chị, ngay cả những vị khách rất sang trọng nhưng khi đến mua hàng cũng than phiền chuyện giá cả tăng cao, thời buổi khốn khó… Chị Lan còn cho biết thêm: “Có sản phẩm khi treo biển giảm giá 15% thì bán rất nhanh. Buôn bán lúc này chấp nhận giảm lãi đi chút ít vì thời buổi đang khó khăn mà”.

Một số cửa hàng bán quần áo cũ (còn gọi là hàng sida) trên đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 thời gian gần đây cũng tiếp nhận lượng khách đến mua sắm nhiều hơn bình thường. Trước đây, khách đến mua sắm chủ yếu là giới công nhân, dân lao động có thu nhập thấp thì nay có cả những người thu nhập trung bình.

Chuyển sang mua hàng trả góp

Trong tình hình kinh tế khó khăn, giá cả hàng hoá tăng chóng mặt, nếu tích luỹ tiền, NTD phải đối mặt với nguy cơ đồng tiền mất giá, mua hàng trả góp là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo an toàn giá trị tài sản, nhất là đối với những mặt hàng giá trị vừa phải nhưng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của đa số người dân thành thị như xe máy, laptop, TV, đồ dùng nội thất…

Chị Thùy Dương, ngụ phường Linh Tây, quận Thủ Đức khoe: “Tôi vừa mua tấm nệm Kymdan Deluxe kích thước 1,6m x 2m x 0,10 m với giá 13.151.000 đồng. Tôi chỉ trả trước 50% giá trị chiếc nệm, còn lại 50% tôi sẽ trả góp làm 6 đợt trong 6 tháng. Vợ chồng tôi thuộc dạng thu nhập thấp, cho nên chỉ có mua hàng trả góp mới tậu được nệm Kymdan để nằm”.

Đại diện công ty Kymdan cho biết, trong thời kỳ lạm phát, giá cả sinh hoạt leo thang, chi phí lãi vay tiêu dùng cao (hơn 20%/năm), ngày càng nhiều NTD có mức thu nhập trung bình rất muốn sử dụng sản phẩm Kymdan nhưng do khả năng tài chính giới hạn nên chưa thể mua hàng trả ngay được. Do vậy, với mong muốn hỗ trợ NTD 100% gánh nặng chi phí lãi vay tiêu dùng, Kymdan quyết định tái triển khai chương trình bán hàng trả góp 0% lãi suất. Nói cách khác, khi mua trả góp sản phẩm Kymdan, NTD đã được "trợ giá" đến hơn 20%/năm số tiền mua hàng.  Theo đó thời gian trả góp trong vòng từ 3 tháng (3 đợt) đến 6 tháng (6 đợt), tùy thuộc số tiền trả trước và tùy thuộc thời điểm mua hàng của NTD.

 

Không những Kymdan mà các DN có chương trình bán hàng trả góp đều đánh trúng tâm lý mua sắm của NTD trong thời bão giá. Vì vậy, đa số các công ty tài chính trong và ngoài nước đều xác định cho vay tiêu dùng là thị trường mở rất giàu tiềm năng. Nắm được xu hướng mua sắm thời bão giá, DN sẽ có chiến lược kinh doanh thích hợp để tồn tại và phát triển trong thời khó khăn chung này.

Nhận xét về xu hướng mua sắm của NTD thời bão giá, bà Thùy Chi – Giám đốc Công ty truyền thông CHI cho rằng người Nhật tuy giàu có thế nhưng sau khi xảy ra thảm họa kép “động đất- sóng thần” thì họ luôn nêu cao tinh thần tiết kiệm để vượt qua khó khăn. Người Việt Nam vốn có thói quen tiêu xài phóng khoáng, nhưng thời buổi hiện nay thì xu hướng mua sắm đã thay đổi mà thể hiện rõ nhất là sự cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định mua một sản phẩm hay sử dụng dịch vụ.

Thúy An - Thu Hồng

Đọc thêm