“Hàng ngàn lô đất có chủ bị bỏ hoang trong nhiều năm nay đã và đang trở thành điểm tập kết xà bần, rác thải... gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị, nếu không được xử lý sớm, đất bỏ hoang có nguy cơ trở thành điểm “nóng” ô nhiễm môi trường” - ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết.
|
Nhiều khu đất bỏ hoang đã trở thành điểm tập kết rác, xà bần... gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng. |
Chủ trương hợp lòng dân
Để dẹp bỏ những lô đất có chủ bị bỏ hoang gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị, UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, phường trực tiếp xử lý những lô đất bỏ hoang, gây ô nhiễm. Theo đó, những lô đất bỏ hoang sẽ được Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan dọn vệ sinh và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả các lô đất này. Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ tính riêng đường Nguyễn Tất Thành đã có tới hàng trăm lô đất bỏ hoang trong nhiều năm nay.
Điều đáng nói là những lô đất bỏ hoang đã biến thành điểm tập kết rác, xà bần... gây ô nhiễm môi trường. Bác Lê Văn Quảng - một người dân sống cạnh lô đất bỏ hoang trên đường Nguyễn Tất Thành - than thở: “Tuyến đường này được xem là đẹp của thành phố, thế nhưng chỉ vì những lô đất bỏ hoang đã trở thành điểm tập kết rác, xà bần... làm mất đi vẻ đẹp của tuyến đường này. Sống ở gần những lô đất bỏ hoang vào mùa mưa thì khỏi phải nói. Nào thì ruồi, muỗi…nhan nhản, đe dọa bệnh tật cho người dân. Còn vào mùa nắng, mỗi khi có gió biển thì chỉ còn cách “cửa đóng then cài”. Chỉ tay về phía lô đất bỏ hoang, bác Thành nói: “Đấy chú xem, xà bần, rác, cỏ mọc um tùm… đã chất thành đống. Nếu lô đất ấy không sớm được xử lý, chỉ ít bữa nữa thì...”. “Thấy việc đổ rác, xà bần... sao bác không “a-lô” cho chủ đất đến xử lý?”, tôi hỏi. “Biết số điện thoại đâu mà a với lô. Chỉ nghe phong thanh những lô đất bỏ hoang trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, chủ của nó “nằm” ở tận Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu biết chủ lô đất là ai, tôi đã liên hệ thuê để làm nhà kho rồi. Sắp tới, thành phố sẽ “xử lý” những lô đất bỏ hoang, gây ô nhiễm, tôi rất phấn khởi vì không ngửi phải mùi hôi nữa”, bác Thành nói.
Không chỉ có bác Thành ủng hộ chủ trương này của thành phố mà dường như ai nấy đều mong chủ trương này sớm được thực hiện. Anh Đỗ Khương, hành nghề giữ xe ở chợ Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết: “Tôi rất ủng hộ chủ trương của thành phố về việc xử lý những lô đất bỏ hoang lâu năm, vừa gây lãng phí về kinh tế và kéo theo ô nhiễm môi trường. Đơn cử như, gần chợ Hòa Khánh có tới hàng chục lô đất bỏ hoang đã trở thành điểm ô nhiễm kinh khủng”.
“Trước Tết, thấy có 2 lô đất nằm trên đường Nguyễn Đình Trọng (gần chợ Hòa Khánh) bỏ hoang lâu năm và hiện đã trở thành điểm tập kết rác, xà bần... gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân sống cạnh đó, thế nhưng sau khi liên hệ với chủ đất để thuê lại làm bãi giữ xe đã bị chủ đất từ chối. Bây giờ thành phố đã có chủ trương “xử lý” những lô đất này, nếu được, tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để dọn vệ sinh, cải tạo sạch sẽ 2 lô đất nói trên để làm bãi giữ xe, kiếm thêm thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người lao động”, anh Khương nói.
Mạnh tay xử lý
Theo một cán bộ địa chính phường Xuân Hà (quận Thanh Khê): Tuyến đường Nguyễn Tất Thành, khu vực nằm trên địa bàn phường đã có hơn 80 lô đất bỏ hoang trong vài năm nay. Hầu hết các lô đất này đã có chủ, nhưng chủ đất lại không quản lý, nên đã trở thành điểm tập kết rác, gây ô nhiễm. Việc thành phố có chủ trương dọn vệ sinh và quản lý những lô đất bỏ hoang là đúng, tuy nhiên kinh phí ở đâu để thuê dọn mới là điều phải bàn đến.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN –MT cho biết: Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của thành phố về việc xử lý những lô đất bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường, Sở đã yêu cầu các quận, huyện…tiến hành rà soát những lô đất bỏ hoang, để có hướng xử lý theo chỉ đạo của UBND thành phố. Trước mắt, Sở sẽ gửi thông báo yêu cầu các chủ đất tự dọn dẹp. Trong thời gian 10 ngày, nếu chủ đất không có phản hồi, không tự giác dọn vệ sinh lô đất của mình, thành phố sẽ đứng ra dọn vệ sinh và tạm sử dụng lô đất đó vào các mục đích công nhằm tạo nguồn kinh phí. Ngoài ra, nếu chủ đất muốn lấy lại đất phải hoàn trả chi phí dọn vệ sinh.
Cũng theo ông Điểu, trước mắt thành phố sẽ huy động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho việc dọn vệ sinh. Bên cạnh đó, sẽ huy động đoàn viên thanh niên, sinh viên… cùng dọn vệ sinh tại những khu đất bỏ hoang. Cũng theo ông Điểu, hiện Sở đã thông báo đến các Phòng Công chứng số hiệu của các lô đất có chủ nhưng bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu họ phải thực hiện nghĩa vụ môi trường về lô đất của mình rồi mới được phép giao dịch.
Còn nhiều chủ đất cho rằng, nếu không được sự đồng ý của chủ đất mà chính quyền địa phương vẫn mượn tạm đất để sử dụng là sai quy định. Về vấn đề này, ông Điểu cho hay: Khi Sở gửi thông báo đến những người có đất mà chưa sử dụng, gây ô nhiễm, nếu chủ đất liên hệ thì Sở sẽ thỏa thuận để thống nhất việc tạm sử dụng. Chủ trương này chỉ là mượn tạm đất mà chủ đất chưa sử dụng, chứ không thu hồi đất. Đúng ra, nếu người có đất chưa sử dụng được chính quyền dọn vệ sinh, giữ, bảo vệ đất phải cảm ơn thành phố mới đúng. Việc thực hiện vệ sinh những lô đất bỏ hoang, gây ô nhiễm không những tạo cảnh quan văn minh đô thị cho thành phố, mà còn góp phần thực hiện thành công Đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” vào năm 2020.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG