Câu chuyện xảy ra tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, Nguyễn Văn Quang, 20 tuổi - chủ nhân trang Facebook đã tung hàng loạt hình ảnh về vụ giết voọc dã man. Sau khi vụ việc xảy ra, Quang bị đơn vị tước quân tịch và trả về địa phương. Nhưng những dư luận về pháp lý quanh sự việc này còn đọng lại.
|
Bức ảnh khiến cộng đồng mạng phẫn uất |
“Trò chơi” giết voọc
Sau khi trở về địa phương cư trú, Quang cho biết: Đơn vị cho về vì Quang đã vi phạm kỷ luật là sử dụng điện thoại di động và tham gia mạng xã hội khi làm quân nhân. Quang khẳng định mình không giết voọc, mà "chỉ thấy họ làm thịt rồi chụp hình tung lên nhưng không ngờ… chuyện lại to tát như vậy".
Câu hỏi đặt ra đối với Quang là nếu không tham gia giết voọc, tại sao Quang lại có một loạt hình ảnh nối tiếp nhau từ khi con voọc còn sống bị trói chân tay, cho hút thuốc, sau đó đến bị giết và nhúng nước sôi, nhổ lông, đốt lửa, lột da và cắt đầu đều có hình ảnh Quang xuất hiện trong đó?. Trả lời vấn đề này, Quang cho biết: Thấy người dân làm thịt, sẵn điện thoại nên chụp và đưa lên mạng. Đó chỉ là sự hiếu kỳ, tò mò mà thôi, Quang không biết ai là người ăn voọc vì chỉ thấy làm thịt, chụp ảnh rồi bỏ đi.
Phó Chỉ huy Quân sự thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Qảng Nam - Nguyễn Duy Thịnh trả lời báo giới: Quang được đơn vị trả về địa phương và Cơ quan Quân sự thị trấn đã tiếp nhận. Tuy nhiên, trong biên bản tiếp nhận giữa hai bên chỉ ghi là: “Quang vi phạm kỷ luật, tước danh hiệu quân nhân, trả về địa phương” nhưng không nói rõ Quang vi phạm điều gì.
Tiếp sau đó, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Phan Tuấn cho rằng: Cơ quan Quân sự cần điều tra làm rõ ai là người giết voọc. Nếu Quang không tham gia giết voọc thì tại sao những hình ảnh từ khi con voọc còn sống đến lúc xẻ thịt đều có Quang tham gia. Nếu nói Quang không tham gia giết voọc thì hãy điều tra rõ ai giết để minh oan cho quân nhân của mình. Đó là việc Cơ quan Điều tra phải làm nếu không muốn để xảy ra tiền lệ xấu.
Kế đó, Quân đoàn 3 đã có quyết định kỷ luật đối với các trường hợp hành hạ và giết voọc dã man của một số quân nhân gây ra giữa tháng 7 tại Kon Tum. Tước danh hiệu quân nhân đối với ba chiến sĩ của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7, Quân đoàn 3 gồm Nguyễn Văn Quang, Phạm Ngọc Quốc và Trương Văn Thanh Hưng. Đồng thời cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền một sĩ quan và một quân nhân chuyên nghiệp, khiển trách về mặt Đảng và chính quyền đối với sáu quân nhân.
Cơ quan Điều tra hình sự Quân đoàn 3 cũng đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm” và bắt giữ Hà Văn Tú (37 tuổi, trú huyện Krông Pách, Đắk Lắk). Đồng thời Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ đạo các cơ quan tư pháp của quân đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương truy bắt bốn đối tượng còn lại đang bỏ trốn.
Bốn đối tượng này đã cùng Hà Văn Tú dùng súng kíp bắn hai con voọc tại vùng rừng núi huyện Sa Thầy, Kon Tum bán lại cho binh nhất Nguyễn Văn Quang cùng hai chiến sĩ, sau đó hai con voọc này bị hành hạ dã man trước khi bị giết chết.
Hình phạt nào cho đối tượng bắt, giết voọc?
Về sự vụ này, Chuyên viên Kiều Anh Vũ – Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, TP.HCM nêu quan điểm: Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đang điều tra, làm rõ hành vi của những người liên quan nhưng nếu đúng như thông tin dư luận phản ánh thời gian qua, thì có nhiều dấu hiệu hình sự trong vụ giết voọc.
Cụ thể, là dấu hiệu của “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” được quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Khoản 1 Điều 190 quy định: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định.
Hiện nay danh mục loài nguy cấp, quy hiếm được quy định cụ thể tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; Voọc chà và chân xám thuộc nhóm IB - danh mục động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Như vậy, bất kỳ người nào đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự có một trong những hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán voọc chà và chân xám thì cũng đã đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Hay nói cách khác, trong vụ giết voọc chà và chân xám, người săn bắt voọc, buôn bán voọc, người vận chuyển voọc, người nuôi, nhốt voọc (“nuôi”, “nhốt” chứ chưa nói đến “hành hạ”), người giết voọc đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều này cũng đặt ra vấn đề là các cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ tất cả những người có liên quan từ việc săn bắt voọc đến khi voọc bị giết để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, tránh để lọt người, lọt tội. Không dừng lại ở mức phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm như nêu trên, khoản 2 Điều 190 BLHS còn đưa ra một số tình tiết định khung tăng nặng đối với người vi phạm với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Còn Luật sư Bùi Bá Dũng, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Nam cho rằng: Cơ quan Điều tra phải điều tra làm rõ ai là người giết voọc. Nếu chưa chứng minh được điều đó thì không nên truy cứu trách nhiệm hình sự. Với trách nhiệm của một quân nhân, họ phải khai ra ai là người giết voọc và nếu như Quang có tham gia giết voọc mà chỉ bị tước quân tịch, trả về địa phương thì hình thức này quá nhẹ đối với hành vi của Quang đã gây ra.
Có tình tiết định khung tăng nặng
Chuyên viên Kiều Anh Vũ còn cho biết thêm: Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC của Bộ NN&PTNT – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao, có thể hiểu các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 190 BLHS như sau: Có tổ chức là trường hợp nhiều người phạm tội cố ý bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, cùng lên kế hoạch để thực hiện việc săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán loài động vật quý hiếm, ở đây là voọc chà và chân xám; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng mà sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện một trong các hành vi phạm tội được qui định tại khoản 1 Điều 190 BLHS;
Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm là sử dụng các loại vũ khí quân dụng (kể cả đã được cải biến), các loại tên tẩm thuốc độc hoặc dùng chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy sập, dùng khúc gỗ lớn hoặc răng sắt lớn, dùng đèn soi, gài súng và các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt ở địa bàn đó hoặc đối với loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đó; Săn bắt trong khu vực bị cấm là săn bắt trong khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc săn bắt trong các khu vực rừng có quy định cấm khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc vào mùa di cư đến của chúng; Còn gây hậu quả rất nghiêm trọng là săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán từ 2 đến 3 cá thể voọc chân xám. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là từ 4 con trở lên .
Theo phân tích nêu trên và thông tin từ báo chí, số lượng voọc chân xám bị giết là hai con. Do đó, chưa kể đến các tình tiết định khung tăng nặng khác (đang điều tra, làm rõ) cũng đã có cơ sở để khởi tố những kẻ giết voọc theo tình tiết định khung tăng nặng gây hậu quả rất nghiêm trọng theo điểm đ khoản 2 Điều 190 BLHS. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu các hình phạt bổ sung như: Phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo quy định tai khoản 3 Điều 190 BLHS.
Lê Hoàng