Giám đốc nhái 3 thương hiệu nhận 2 năm cải tạo
Luật sư Đặng Lê Thủy Liễu (Văn phòng Luật sư Đặng Lê, người tham gia vụ án kiện của Red Bull) cho biết: “Theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ cấu thành tội phạm nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.
Theo hồ sơ vụ án, đến trước khi ra tòa, Cty TNHH Nước giải khát Nam Bình đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính vì vi phạm nhãn hiệu đối với bia Heineken và bia Sài Gòn. Mặc dù vậy, theo Luật sư Liễu, đây vẫn là một vụ phức tạp bởi bị cáo - Giám đốc Cty Nam Bình Bùi Trọng Hòa rất ngoan cố.
Ông ta biện minh rằng, nhãn hàng hóa đã được Sở Y tế cấp phép và đi một nước cờ cao tay là nộp đơn kiện Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đòi bồi thường 10 tỉ đồng vì cho rằng vụ việc “vi phạm sở hữu công nghiệp” này là do Phó Giám đốc Sở cho phép Cty Nước giải khát Nam Bình sử dụng nhãn hiệu trên.
Nhưng trước các chứng cứ rõ ràng, ngày 21/1/2008, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM đã bác bỏ lời biện minh trên, tuyên phạt bị cáo 2 năm cải tạo không giam giữ về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Liễu cho biết, qua vụ án này cho thấy, các doanh nghiệp cần phải lưu ý và phân biệt sự khác nhau giữa nhãn hiệu hàng hóa (trademark) và nhãn hàng hoá (label). Công ty Nước giải khát Nam Bình được Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cấp phép ghi nhãn hàng hóa từ năm 2001 nhưng mãi đến năm 2004 mới bị phát hiện vi phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu.
Qua đây cũng cho thấy các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa đối với thương hiệu của mình, phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Doanh nghiệp bảo vệ mình cũng là bảo vệ người tiêu dùng
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều thương hiệu na ná nhau cùng tồn tại, ngành nghề nào cũng có, như Trần Anh và Phúc Anh ở lĩnh vực phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin; Nhà Xinh và Phố Xinh trong lĩnh vực nội thất…
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng có trường hợp 2 thương hiệu mà đọc lên rất giống nhau, cùng tồn tại và đồng hành trên thị trường từ khoảng 10 năm nay, là thép Pomina và thép Pomihoa, từng cùng lọt vào Top 200 DN đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt trong cùng một năm, mặc cho người tiêu dùng băn khoăn, nghi ngại.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, nếu một trong 2 đơn vị sở hữu thương hiệu này không có bất kỳ một động thái yêu cầu hay khiếu nại gì về sự trùng hợp này thì Hội không thể lên tiếng được, Hội chỉ có thể lên tiếng nếu nảy sinh sự tranh chấp nào đó giữa 2 đơn vị.
Theo quy định, chủ nhãn hiệu không bắt buộc phải làm thủ tục tra cứu trước khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc tra cứu trước khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là rất cần thiết để giúp cho chủ nhãn hiệu bảo vệ được nhãn hiệu của mình, đồng thời cũng bảo vệ người tiêu dùng, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trong lành và tử tế.