Xử lý khủng hoảng trong “cơn sốt” giá thịt lợn hiện nay

(PLVN) - Sự bùng nổ của dịch tả lợn châu Phi khiến cho giá thịt lợn đang tăng cao kỷ lục tại nước ta trong nhiều ngày gần đây. Ứng phó với tình hình này, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những chính sách riêng nhằm hạ giá thịt lợn và bình ổn thị trường. 
Xử lý khủng hoảng trong “cơn sốt” giá thịt lợn hiện nay

“Bão” giá thịt lợn 

Từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019). Kể từ thời điểm giữa tháng 11 cho đến nay, tình hình giá thịt lợn được ghi nhận vẫn ở mức cao và chưa có xu hướng giảm. Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000đ/kg, tăng 10.000đ/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000đ/kg, tăng 15.000 – 20.000đ/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019).

Giá thịt tăng cao kéo theo chi phí của nhiều dịch vụ tăng lên khiến cho cuộc sống người dân trở nên khó khăn hơn, buộc Chính phủ phải đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bình ổn giá cả, khi mà thời điểm cận kề Tết Nguyên đán 2020. 

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải ứng phó với tình hình giá thịt lợn tăng chóng mặt như hiện nay. Trung Quốc được xem là quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất trên thế giới. Những sản phẩm được sản xuất từ thịt lợn chiếm tới hơn 62% cơ cấu tiêu thụ các loại thịt và thịt lợn được đưa vào danh mục dự trữ hàng hóa quốc gia tại đất nước tỷ dân.

Bởi vậy, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người dân Trung Quốc đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn từ đầu năm cho đến nay. Hiện giá thịt lớn tại đây đang ở mức 4,5 USD/kg (khoảng 104.000 đồng/kg), có nơi lên tới 8,45 USD/kg (tương đương 196.000 đồng/kg). Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng cao do giá thịt lợn và các loại thịt khác liên tục leo thang thời gian qua. Ước tính đại dịch tả lợn châu Phi đã giết gần 50% số lợn tại quốc gia này. Giá thịt lợn tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại châu Âu, “cơn sốt” giá thịt lợn cũng gây ra nhiều hoang mang cho các quốc gia chuộng tiêu thụ thịt lợn như Bỉ, Hungary, Tây Ban Nha, Đức hay Ba Lan,… Bên cạnh nguyên nhân do bùng phát dịch tả, giá thịt tại các quốc gia này tăng một phần cũng là do dự báo việc Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu thịt lợn vào giai đoạn cuối năm nhằm ứng phó một phần với cuộc khủng hoảng thịt lợn chưa từng có đang xảy ra tại đây. 

Một số quốc gia khác như Philippines cũng đưa ra những dự đoán rằng sẽ tăng lượng thịt lợn nhập khẩu lên 32% do nguồn cung trong nước không đảm bảo cùng sự bùng phát của dịch tả. 

Ứng phó với biến động giá thịt lợn 

Trước áp lực lớn từ việc không đủ nguồn cung cho nhu cầu người dân và giá cả thịt lợn tăng vượt mức dự báo, các quốc gia này đã đưa ra những giải pháp riêng nhằm bình ổn giá cả thịt lợn. Giải quyết vấn đề giá thịt lợn trở thành bài toán dân sinh hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Trung Quốc.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối phó với khủng hoảng thịt lợn. (Ảnh minh họa)
 Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối phó với khủng hoảng thịt lợn. (Ảnh minh họa)

Nhiều biện pháp thay thế đã được giới chức Trung Quốc đưa ra nhằm từng bước khôi phục thị trường, bình ổn giá thịt. Những biện pháp nổi bật nhất được quốc gia này áp dụng trong thời gian qua là tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, bơm vào thị trường hàng ngàn tấn thịt lợn đông lạnh đáp ứng nhu cầu lớn của người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường các chính sách tuyên truyền người dân sử dụng các loại thực phẩm thay thế trong thời gian phục hồi thị trường. Trung Quốc xác định phải tăng nguồn cung các loại thịt bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó gia tăng sản xuất và cung ứng thịt bò, thịt cừu, thịt gia cầm và trứng gà, mở rộng nhập khẩu thịt lợn và các loại thịt thay thế khác, bảo đảm đủ các sản phẩm thịt cung ứng cho thị trường.

Đối với những người chăn nuôi thịt lợn, giới chức Trung Quốc cũng đưa ra những biện pháp hỗ trợ tối đa cho việc sản xuất như gỡ bỏ hạn chế trong chăn nuôi lợn, hỗ trợ về không gian đất đai, nhà xưởng, tài chính cho chủ hộ chăn nuôi, phát triển những tuyến đường riêng đảm bảo cho việc vận chuyển thịt lợn hơi từ nơi sản xuất ra các đầu mối,…

Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả này, giá thịt lợn Trung Quốc gần đây đang có xu hướng giảm, đặc biệt là trong tháng 11 năm nay. Giá thịt lợn bán buôn bình quân ở thành phố Bắc Kinh trong ngày 15 - 11 vào khoảng 33 nhân dân tệ/kg (4,7 USD/ kg), giảm tới 3 nhân dân tệ (0,43 USD) so với ngày trước đó.

Để đảm bảo bình ổn lâu dài, Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước Trung Quốc cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi trong dài hạn, từ đó ổn định cung cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trong khi đó, tại các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Singapore hay Philippines, tăng cường nhập khẩu thịt lợn với nhiều nguồn cung khác nhau là biện pháp nổi bật ứng phó với “bão” giá thịt lợn hiện nay. Cơ quan Thực phẩm Singapore cho biết: “Bằng cách mua từ nhiều nguồn khác nhau, nguy cơ phụ thuộc vào bất kỳ một nguồn nào sẽ giảm và cho phép chúng tôi khai thác hoặc tăng cường các nguồn khác khi nguồn truyền thống bị gián đoạn”.

Việc nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài góp phần giảm bớt áp lực cho thị trường thịt lợn trong nước và vẫn đáp ứng được nhu cầu người dân như hiện nay, từng bước cân bằng thị trường và lấy lại mức bình ổn giá cho đến khi dịch tả có dấu hiệu dừng lại. 

Tại Hàn Quốc, tuy không hứng chịu quá nhiều do ảnh hưởng bởi “cơn bão” giá thịt lợn nhưng Chính phủ nước này cũng đưa ra một số biện pháp nhằm chuẩn bị cho tình huống có thể xảy ra. Người dân được khuyên nên sử dụng các loại thực phẩm thay thế như thịt bò, thịt gà, cá, tôm,… thay cho thịt lợn. Điều này vừa giúp đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nhưng cũng vừa có thể tăng sản lượng cho các loại thực phẩm thay thế. 

Đây cũng là cách mà người dân tại Anh sử dụng khi ứng phó với cuộc khủng hoảng thịt lợn đang diễn ra. James Park, một nhà phân tích cao cấp của tạp chí BPEX cho rằng Anh là một trong những thị trường tiêu thụ thịt lớn. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái diễn ra, người dân đã tăng cường sử dụng thịt bò và gia cầm thay cho việc tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn.

Các món ăn như thịt xông khói hay sandwich cũng được người dân giảm dần và sử dụng thịt lợn tiết kiệm nhất có thể. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng được cảnh báo về việc những hộ sản xuất thịt lợn nhỏ lẻ sẽ đóng cửa bởi sự bùng phát khó kiểm soát của dịch bệnh như hiện nay và nguy cơ vẫn phải đối mặt với vấn đề giá thịt lợn tăng cao trong thời gian tới. 

Đối với phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch tả lợn châu Phi, biện pháp được áp dụng là kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thịt lợn trên thị trường, ngăn không để các hành động làm giá, găm giá, cơ đầu giá thịt lợn diễn ra khiến thị trường càng trở nên rối loạn.

Bên cạnh đó, kiểm soát và ổn định được nguồn cung cầu cho thịt lợn hiện nay nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân vào dịp gần cuối năm trở thành vấn đề lớn mà toàn cơ quan chức năng của các quốc gia này cần suy nghĩ giải quyết. Trong tình hình đó, việc ngăn chặn buôn, nhập khẩu lợn lậu, lợn nhiễm bệnh xâm nhập vào thị trường cũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sự bình ổn sớm nhất của thị trường và ngăn ngừa tình trạng làm phát diễn ra. 

Cũng như Việt Nam, nhiều đất nước tiêu thụ khối lượng lớn thịt lợn đang phải nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” cho “cơn sốt giá” này, bình ổn thị trường. Mặt khác, có thể thấy, trong nền kinh tế toàn cầu, một hiện tượng xảy ra từ một đất nước, một châu lục có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nội địa của nhiều đất nước khác. 

Đọc thêm