Pha hóa chất để xử lý nguồn nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải Thọ Quang. |
Tình cờ không hẹn mà gặp, lần đầu tiên chúng tôi cùng đi với đoàn kiểm tra môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và các phóng viên đài DVTV. Theo kế hoạch ban đầu, đoàn chúng tôi sẽ đến Thọ Quang để đưa tin việc kiểm tra và vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Thọ Quang, nhưng rồi chuyến đi lại kéo dài qua Khu Công nghiệp (KCN) Liên Chiểu và KCN Hòa Khánh. Qua chuyến thực tế này, chúng tôi mới ngỡ ra bao điều liên quan đến việc xử lý nước thải...
Hệ thống xử lý vẫn mới bắt đầu
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Nguyễn Điểu dẫn đầu đoàn, đưa chúng tôi trở lại Thọ Quang với nhiều hy vọng sau khi Nhà máy Xử lý nước thải Thọ Quang đi vào hoạt động sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây. Ông Võ Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ môi trường Quốc Việt cho biết, sau khi nhà máy vận hành khoảng hơn 1 tháng, tình hình ô nhiễm ở đây sẽ được cải thiện nhờ công suất xử lý nước thải 3.000m3/ngày đêm. Hiện nay, bức xúc của người dân ở khu vực này là tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy thải ra từ các khu công nghiệp chưa qua xử lý. Nếu nhà máy này vận hành tốt, thì coi như thành phố đã xóa đi một điểm đen về môi trường ở khu vực gần cảng Tiên Sa và khu du lịch bán đảo Sơn Trà - nơi thường có nhiều du khách trong và ngoài nước qua lại. Mặc dù ông Hùng cho rằng, mùi hôi của nước thải đã được xử lý và không còn hôi nhưng những người trong đoàn đều cảm nhận được mùi hôi không thể chịu nổi bốc lên từ nước thải đang được xử lý khi đứng dưới chiều gió. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn hy vọng rằng, với công nghệ xử lý của nhà máy, tình hình môi trường ở đây ít nhiều sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày vận hành, nhà máy lại bị hỏng, điều này luôn đặt ra cho chúng tôi nhiều câu hỏi về chất lượng của công trình.
Điểm dừng chân tiếp theo là buổi làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng về hệ thống xử lý nước thải tại KCN Liên Chiểu. Theo công ty này cho biết vào thời điểm đó, hệ thống xử lý nước thải tại KCN Liên Chiểu vẫn chưa được xây dựng vì gặp phải khó khăn về công tác giải tỏa đền bù. Hiện KCN Liên Chiểu có 15 doanh nghiệp đang hoạt động và mỗi tháng thải ra trung bình 12.000m3 nước. Qua buổi làm việc với cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng đưa ra phương án xây dựng bể chứa xử lý nước thải tạm thời bằng cách lót ni-lon như mô hình đã làm ở thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến hoàn tất trong vòng 10 ngày, trong khi vẫn tiếp tục xây dựng công trình hệ thống xử lý nước thải KCN Liên Chiểu như dự kiến. Lý do là việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải kéo dài đến 6 tháng, trong khi chủ trương của thành phố là sẽ đưa tất cả nước thải của các doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải trước ngày 15-7-2010. Tuy nhiên, với sự cố tại Nhà máy Xử lý nước thải Thọ Quang, liệu phương án này sẽ bảo đảm chất lượng (?).
Chung tay vì cộng đồng
Làm việc với các doanh nghiệp tại KCN Liên Chiểu, một số doanh nghiệp cho rằng, họ không phải là thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Hòa Liên, nhưng vì cộng đồng, họ bày tỏ thiện chí trong việc ủng hộ một phần tài chính để giúp đỡ phần nào cho người dân nơi đây. Ông Ray Smith, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Phong Phú (ITG) cho biết, ông sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng có thể trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” như câu tục ngữ của người Việt Nam. Trong khi đó, Công ty Dệt Đà Nẵng hứa sẽ chung tay góp sức. Theo ông Nguyễn Điểu, những đóng góp của các công ty sẽ được chuyển đến tận tay bà con xã Hòa Liên trong một buổi lễ có sự chứng kiến của các công ty tình nguyện giúp đỡ người dân nơi đây.
Mong rằng, những người được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn thành đúng tiến độ công trình và bảo đảm chất lượng để việc xử lý nước thải tại các KCN được thực hiện tốt, giữ gìn môi trường thành phố xanh-sạch-đẹp.
Bài và ảnh: GIA HUY