Xử lý nghiêm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp

(PLO) - Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng trong tình hình mới, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Xử lý nghiêm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp

Để có thể bao quát hết phạm vi các chủ thể tham gia vào hoạt động tư pháp, thay vì sử dụng phương pháp liệt kê các cơ quan một cách không đầy đủ như khái niệm cũ của BLHS năm 1999, khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong BLHS năm 2015 được sửa đổi có tính khái quát cao như sau: “Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án”. Hoạt động tố tụng là quá trình giải quyết vụ án, vụ việc ở các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính – lao động – kinh doanh thương mại… bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, mọi công dân góp phần vào việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

BLHS năm 2015 đã sửa đổi phạm vi chủ thể, đối tượng tác động của tội phạm trong một số tội; tăng nặng hình phạt đối với một số tội phạm cụ thể; bổ sung khung tăng nặng, các tình tiết khung tăng nặng trách nhiệm hình sự và cụ thể hóa các tình tiết có tính “định tính” nhằm bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất; sửa đổi. Ngoài ra, còn bổ sung tội “Dùng nhục hình” và tội “Bức cung” nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, về tội “Dùng nhục hình” (Điều 373), chủ thể thực hiện hành vi không chỉ ở các giai đoạn tố tụng, thi hành án mà còn được mở rộng cả ở giai đoạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính. Ngoài hành vi dùng vũ lực, nếu có hành vi đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm, bạo lực tinh thần đối với người khác dưới bất kỳ hình thức nào cũng cấu thành tội phạm này. 

Điều luật cũng đã cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng tình tiết “gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%” ; cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 3 bằng các tình tiết “gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”.  Đồng thời bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng gồm: “phạm tội 2 lần trở lên”, “đối với 2 người trở lên”, “dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”, “đối với người dưới 18 tuổi”, “phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”, “làm người bị nhục hình chết”.

Về hình phạt, tại từng khoản, điều luật quy định hình phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân; riêng khoản 5 quy định hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Về tội “Bức cung” (Điều 374), chủ thể của tội phạm này được mở rộng là người nào trong hoạt động tố tụng đồng thời mở rộng phạm vi xử lý hình sự. Theo đó, chỉ cần có hành vi trái pháp luật ép buộc người khai báo phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc là cấu thành tội phạm này, kể cả thông tin đúng cũng như thông tin sai sự thật (trước đây phải là hành vi trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật và gây hậu quả nghiêm trọng) để nội luật hóa Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam là thành viên.

Điều luật đã cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” ở khoản 2 bằng tình tiết “dẫn đến làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 3 bằng các tình tiết “làm người bị bức cung tự sát”, “dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”. Ngoài ra, bổ sung thêm các tình tiết định khung tăng nặng như: “phạm tội 2 lần trở lên”, “đối với 2 người trở lên”, “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung”; “ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật”, “làm người bị bức cung chết, dẫn đến làm oan người vô tội”… Mức phạt đối với tội này được quy định tương tự như tội “Dùng nhục hình”. 

Đọc thêm