Xử lý ô nhiễm làng nghề chế biến nông sản: Đâu là giải pháp triệt để?

(PLVN) - Với quy mô sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, nhà ai nhà nấy xả thải, dần dần các làng nghề chế biến nông sản ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) biến thành điểm đen của ô nhiễm. Nhiều năm liền, các cấp chính quyền vẫn đau đầu giải bài toán ô nhiễm, thế nhưng đến nay vẫn chưa có đáp số cuối cùng.
Một dòng mương đặc quánh cạnh trường Tiểu học Dương Liễu B
Một dòng mương đặc quánh cạnh trường Tiểu học Dương Liễu B

“Quen mùi ô nhiễm”

Theo thống kê của UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn có 51/53 làng có nghề, trong đó có 12 làng được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, với 3 làng nghề chế biến nông sản nổi tiếng là Minh Khai, Cát Quế và Dương Liễu.

Đặc thù của nghề chế biến tinh bột là hoạt động xay nghiền củ dong riềng, củ sắn để lấy tinh bột. Điều đáng nói, những năm gần đây khi máy móc được hiện đại hóa (cho phép nghiền nguyên củ, không có bộ phận tách bã thải) thì lượng xả thải ra môi trường tăng lên đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tấn củ dong đưa vào thì thải ra môi trường khoảng hơn 800kg nước thải cùng cặn bã.

Đến xã Dương Liễu những ngày đầu xuân, chúng tôi dường như bị “ngợp” vì những thứ mùi đặc trưng của làng nghề. Đó là mùi hôi thối, chua nồng từ các mương máng bốc lên. Mặc dù xã đã thi công công trình cải tạo kênh mương trên địa bàn nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm ở nơi đây.

Ông Nguyễn Danh Nghĩa (Dương Liễu, Hoài Đức) chia sẻ: “Từ bé lớn lên trong làng nghề nên tôi cũng quen với cuộc sống nơi đây rồi. Những hộ làm nghề vẫn thói quen sản xuất rồi xả thải ra môi trường như vậy”.

Không chỉ ông Nghĩa mà hầu hết người dân sống trong làng nghề vẫn luôn ngậm ngùi “sống chung với lũ”. Chị Nguyễn Thị Hợi (Dương Liễu, Hoài Đức) nói: “Đầu năm mới người ta chưa làm nhiều chứ vào độ giáp Tết, thôn xóm ở đây nhếch nhác, kinh khủng lắm. Sống ở đây chỉ đành nhắm mắt cho qua chứ nói ra nói vào nhiều người ta (các hộ làm nghề - PV) lại mặt nặng mày nhẹ, thành ra mất tình làng nghĩa xóm”.

Tìm đến một hộ sản xuất tinh bột ở thôn Me Táo (Dương Liễu, Hoài Đức), chúng tôi được tận mắt thấy “công nghệ sản xuất” của gia đình. Tất cả củ dong riềng sau khi được chở về từ bãi chợ được gột rửa sơ qua rồi tống thẳng vào máy nghiền. Nước tinh bột được giữ lại, còn toàn bộ nước thải lẫn bã dong riềng được xả thẳng ra cống mà không hề có khâu lọc cặn nào.

Trên tay đang cầm chiếc vòi nước để xả trôi đống đất cát và bã củ dong còn vương vãi trên nền gạch, người đàn ông ở hộ sản xuất này cho biết, toàn bộ những nhà làm tinh bột đều làm như vậy cả: “Chúng tôi xả nước nhiều, cặn bã các thứ sẽ tự động trôi hết, không thể còn tồn đọng trong làng được. Các hộ làm nghề ở đây làm như vậy cả chục năm nay rồi”.

Nói về việc làm nghề gây ô nhiễm môi trường, một người làm tinh bột ở thôn Hòa Hợp (Dương Liễu, Hoài Đức) thừa nhận: “Việc chế biến tinh bột ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhưng vì gánh nặng kinh tế nên gia đình không thể đầu tư hệ thống xử lý chất thải được”

Theo quan sát, trong làng nghề không chỉ ô nhiễm ở các mương, cống rãnh mà những tuyến đường giao thông trong địa bàn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động vận chuyển củ sắn, dong riềng làm phát sinh một lượng lớn đất cát ra môi trường. Vào những ngày cao điểm của mùa vụ mỗi ngày có tới 25 tấn đất cát được vận chuyển về địa phương kèm theo củ dong.

“Ở đây ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì nhơ nhớp bùn lầy. Bao nhiêu xe chở dong riềng đi qua có thấy xe nào che chắn gì đâu. Đất cát nhiều thế mà chẳng có ai thu gom, cứ thế mà trôi xuống cống làm tắc hết dòng chảy”, chị Mai, một người dân địa phương than phiền.

Kiểm tra, nhắc nhở khó đạt hiệu quả

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề chế biến nông sản ở Hoài Đức đã tồn tại rất lâu, song đến nay vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong khi chính quyền địa phương đang loay hoay ở khâu tuyên truyền thì người dân vẫn ngang nhiên xả thải. Tháng 10/2018, UBND xã Dương Liễu đã ban hành quy định yêu cầu các hộ làm nghề chế biến nông sản cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường, tuy nhiên có rất ít hộ kí cam kết này.

Ông Ngô Văn Minh - cán bộ Văn phòng UBND xã Dương Liễu cho biết, năm nào xã cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kêu gọi các hộ dân làm nghề thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, xã yêu cầu các hộ kí cam kết nhưng chỉ được lác đác vài ba hộ ra kí.

Năm 2016, Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà (xã Dương Liễu, Hoài Đức) đi vào hoạt động nhằm giải quyết ô nhiễm cho các làng nghề chế biến nông sản, tuy nhiên, nhiều thời điểm Nhà máy cũng gặp khó khăn do xơ, sợi, cặn bã của người dân thải ra. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Lý - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Đức cho biết, để giải quyết ô nhiễm môi trường các làng nghề chế biến nông sản ở huyện Hoài Đức, ngoài nhà máy Cầu Ngà đã đi vào hoạt động, dự kiến năm 2019, sẽ có thêm nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (công suất 8000 m3/ngày đêm) đi vào vận hành; cùng với đó, dự án xử lý nước thải Vân Canh đang kêu gọi nguồn đầu tư từ xã hội hóa sẽ cơ bản hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, huyện vẫn tập trung vận động, tuyên truyền: “Các hộ sản xuất mang tính thời vụ, chỉ tập trung vào 3 - 4 tháng trước và sau Tết, do đó chúng tôi chỉ kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí vi phạm cũng nhắc nhở”, ông Lý nói. Điều đáng nói, cả làng nghề đều sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với quy mô hộ gia đình, việc nhắc nhở như vậy liệu có mang lại hiệu quả?

Chia sẻ về khó khăn của địa phương trong giải quyết vấn đề ô nhiễm, ông Lý cho biết, huyện không được đầu tư các thiết bị kiểm nghiệm nước thải, khí thải và tiếng ồn, do đó phải đi thuê các đơn vị khác, rất mất thời gian và tính kịp thời không cao. Phía UBND huyện kiến nghị các cấp chính quyền tiếp tục đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải để cải thiện tình hình ô nhiễm tại địa phương.

Không ít người lo lắng, khi các hộ sản xuất vẫn không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, chính quyền chưa thực sự mạnh tay với các chế tài đủ rắn thì không biết môi trường tại các làng nghề chế biến nông sản bao giờ mới thực sự được cải thiện? 

Đọc thêm