Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp, tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt những vấn đề xã hội và môi trường là ba trục chính thúc đẩy phát triển của các quốc gia cũng như từng địa phương. Đây là cơ sở tạo ra sự phát triển bền vững. Với Hải Phòng, thành phố công nghiệp truyền thống, vấn đề này càng cần được quan tâm hơn, nhất là ở các KCN, CCN.
Xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp
Trong 6 KCN đang hoạt động gồm: Nomura- Hải Phòng, Đình Vũ, Tràng Duệ, Đồ Sơn, VSIP, Nam Cầu Kiền mới có 2 KCN có hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, KCN Nomura Hải Phòng có nhà máy xử lý nước thải đồng bộ, hiện đại, công suất xử lý 10.800 m3 /ngày đêm. KCN Đình Vũ có 2 trạm xử lý nước thải di động, công suất 100 m3 /ngày đêm/trạm. KCN Đồ Sơn đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Các KCN còn lại, hạng mục nhà máy xử lý nước thải vẫn đang nằm trên giấy, trong quá trình lập dự án hoặc đấu thầu…Phó trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng Mai Xuân Hòa cho biết, mặc dù Ban quản lý KKT thường xuyên đôn đốc, song tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải vẫn chậm. Theo quy định của thông tư 08/2009 của Bộ Tài nguyên- Môi trường, đến thời điểm yêu cầu 31-12-2010, các KCN Tràng Duệ, Nam Cầu Kiền không thể hoàn tất việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải.
Tuy các KCN đỡ ô nhiễm môi trường hơn các CCN nhưng trong từng KCN, vẫn tiềm ẩn nguy cơ môi trường bị ô nhiễm từ nhiều nguồn. KCN Đình Vũ tuy có hai trạm (mô đun) xử lý nước thải nhưng cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ: bãi chất thải của nhà máy phân bón DAP cao như núi, luôn rình rập mất an toàn môi trường, nhất là nếu bão, lũ làm vỡ bờ bao. Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV DAP- Vinachem Lâm Thái Dương cho biết, công ty vừa hợp tác với Công ty CP Sông Đà Cao Cường thành lập Công ty CP thạch cao Đình Vũ để xử lý chất thải thành vật liệu xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động. Chừng nào bãi chất thải còn chưa được xử lý, các doanh nghiệp chung quanh vẫn còn lo ngại. Nhà máy phôi thép của Công ty CP thép Đình Vũ tuy có hệ thống xử lý bụi, song vào những ngày “nặng trời”, u ám, khói, bụi không thoát lên được, cứ bay là là trên đầu nhà máy và phát tán ra khu vực chung quanh, mùi khét khó chịu. Bãi rác tạm Đình Vũ cũng cần được di dời. Nhà máy xử lý nước thải KCN Đồ Sơn chưa hoàn thành các doanh nghiệp vẫn thải ra các hệ thống thoát nước tạm của KCN và môi trường. Từ lâu, bà con không thể nuôi trồng thủy sản ở khu vực này.
Duy nhất KCN Nomura Hải Phòng có nhà máy xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại, đáp ứng việc xả thải của KCN. Sau gần 20 năm hoạt động, đến nay, lượng bùn của nhà máy cũng khá lớn, đòi hỏi phải xử lý gấp. Bên ngoài KCN, các hộ dân vứt rác bừa bãi ven đường giao thông, khu cây xanh…gây mất mỹ quan và ảnh hưởng không tốt đến môi trường cũng như việc thu hút đầu tư.
Quyết liệt để phát triển bền vững
Xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường, ngay từ đầu năm 2010, thành phố định hướng chính sách thu hút đầu tư công nghệ sạch, công nghệ cao; ban hành danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và không khuyến khích đầu tư. Trong đó, không khuyến khích đầu tư các dự án công nghệ cũ, lạc hậu và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khuyến khích các dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng lập danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư, khu đô thị. Thời gian qua, nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp được tạo điều kiện về mặt bằng mới, di dời xa khu trung tâm thành phố như nhà máy cơ khí Duyên Hải, nhà máy đúc Tân Long, nhà máy Sơn Hải Phòng…Thành phố tích cực phát triển các KCN với hạ tầng đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Từ chỗ chỉ có 3 KCN ban đầu, đến nay, có 8 KCN được thành lập, trong đó 6 KCN đang hoạt động, thu hút đầu tư. Các dự án xử lý nước, rác thải đô thị và công nghiệp được quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ. Năm 2009, nhà máy xử lý rác Tràng Cát 200 tấn/ngày đi vào hoạt động. Các dự án thoát nước mưa, nước thải và nâng cấp hạ tầng khu dân cư thu nhập thấp đang triển khai…
Mặc dù vậy, việc xử lý ô nhiễm môi trường vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của một số cấp, ngành và nhiều doanh nghiệp. Trong khu vực đô thị trung tâm còn một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Công tác thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường tiến hành chưa thường xuyên và chưa quyết liệt. Để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố với nền công nghiệp tiên tiến, phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, các khu, cụm công nghiệp phải đi đầu về môi trường xanh, sạch, đẹp để giảm thiểu ô nhiễm do sản xuất công nghiệp gây ra.
Mai Hương