Xử lý ô nhiễm môi trường chợ đêm Hòa Khánh

Vừa qua, dư luận đã lên tiếng về tình trạng ô nhiễm môi trường tại chợ đêm Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống gần khu vực chợ. Đầu tháng 7, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Hữu Thiết đã có buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) các chợ quận Liên Chiểu và các hộ kinh doanh tại chợ đêm để cùng tìm giải pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng ô nhiễm này.  

Vừa qua, dư luận đã lên tiếng về tình trạng ô nhiễm môi trường tại chợ đêm Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống gần khu vực chợ. Đầu tháng 7, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Hữu Thiết đã có buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) các chợ quận Liên Chiểu và các hộ kinh doanh tại chợ đêm để cùng tìm giải pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng ô nhiễm này.

Chợ sầm uất nhưng… hôi!

Hoạt động buôn bán tại chợ đêm Hòa Khánh bắt đầu diễn ra vào lúc 18 giờ hằng ngày.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của các hộ dân sống gần khu vực chợ đêm Hòa Khánh về tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa đến đời sống, sinh hoạt của người dân, chúng tôi đã quyết định “mục sở thị” một đêm ở chợ đêm Hòa Khánh để tìm hiểu sự việc. Mặc dù lúc này mới 16 giờ, trời vẫn nắng nóng nhưng hàng trăm hộ kinh doanh quán nhậu, nước giải khát… đã hối hả bày bàn ghế, hàng hóa ra bán để đón các “thượng đế”.

Và lúc mặt trời vừa khuất, khách bắt đầu đổ về đây ngày một đông. Chợ đêm bắt đầu nhộn nhịp và ồn ào với những lời mời của chủ quán, tiếng chúc tụng của các “thượng đế” và những lời lẽ không hay bắt đầu tuôn ra khi chất “ma men” đã ngấm vào người. Khi cuộc nhậu đến hồi “tai tái”, lần lượt các “thượng đế” tìm chỗ “giải tỏa bức xúc” trong người. Thay vì đến đúng nơi quy định, các “thượng đế” cứ thấy chỗ nào tối tối là tìm đến “xả” bậy, từ khuôn viên cây xanh phía ngoài cổng chợ, gầm cầu thang…, đâu đâu cũng thấy “dân nhậu” xếp hàng “tưới cây”.

Chứng kiến cảnh “xả bậy” của các thượng đế, các hộ dân sống ở tuyến đường Âu Cơ (trước mặt khu vực chợ đêm) rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây, thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa được xử lý triệt để. Bác T, một người dân sống gần chợ cho rằng: “Việc đưa chợ đêm vào hoạt động là chủ trương đúng của quận, bởi chợ đêm tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, sau mỗi đêm, mùi hôi ở khu vực này càng khủng khiếp. Mong sao mỗi “thượng đế” đến chợ đêm có ý thức giữ gìn vệ sinh một chút, và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp ngăn chặn và xử lý môi trường kịp thời”.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ có “thượng đế” thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường, mà ngay cả các hộ buôn bán tại chợ đêm cũng xả rác, xả nước thải vô tội vạ ra bên ngoài. 2 giờ sáng, khi chợ dần thưa khách cũng là lúc dưới chân bàn, ghế… ở các quầy hàng đầy giấy lau, tàn thuốc lá, vỏ nắp chai… và nước thải được xả ra lênh láng trên mặt chợ, nhếch nhác và làm mất cảnh quan văn minh đô thị.

Nếu còn xảy ra ô nhiễm sẽ “xóa” chợ đêm

Báo cáo tại buổi làm việc giữa UBND quận Liên Chiểu và BQL các chợ quận Liên Chiểu cùng các hộ kinh doanh tại chợ đêm vào đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Trà - Trưởng BQL các chợ quận Liên Chiểu cho biết: Việc xây dựng chợ đêm không những nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí của người dân cũng như du khách trong và ngoài thành phố, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nghèo trên địa bàn.

Thế nhưng, sự thiếu ý thức của một số hộ kinh doanh và khách hàng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đã tạo nên hình ảnh phản cảm và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân sống chung quanh chợ. Cũng tại cuộc họp, ông Trà đã yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh ký cam kết bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ kinh doanh phải thực hiện việc giữ vệ sinh chung, tất cả các quầy hàng không được xả nước thải ra chợ, mỗi quầy phải có thùng đựng rác, phải nhắc nhở khách hàng giữ vệ sinh và hướng dẫn khách đi tiểu tiện đúng nơi quy định. BQL sẽ bố trí 15 biển chỉ dẫn hướng dẫn khách hàng đi tiểu tiện đúng nơi quy định, lắp đặt cho mỗi hộ kinh doanh một tấm biển có ghi dòng chữ “Hãy chung tay bảo vệ môi trường” nhằm tuyên truyền, nhắc nhở đến khách hàng trong việc giữ vệ sinh. Các hộ kinh doanh tại chợ đêm cũng đề nghị cần lắp đặt thêm nhà vệ sinh di động.

Ông Nguyễn Hữu Thiết cho rằng: Nếu muốn làm ăn lâu dài, trước mắt, các hộ kinh doanh cần phải xây dựng quầy hàng văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng theo ông Thiết, những đề xuất từ phía BQL chợ và các hộ kinh doanh sẽ được UBND quận chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay. Tuy nhiên, để giảm thiểu ô nhiễm cũng như xử lý những vướng mắc tồn tại tại chợ đêm, trước hết, BQL chợ Hòa Khánh cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh và khách hàng trong việc giữ gìn vệ sinh chung. BQL chợ cần xử lý ngay những vi phạm theo đúng thẩm quyền.

 

“Nếu những hộ kinh doanh nào không thực hiện việc giữ gìn vệ sinh môi trường, sẽ không cho kinh doanh tại chợ. Và sau khi lắp đặt thêm nhà vệ sinh, hệ thống điện, biển chỉ dẫn, nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị… tại chợ đêm, UBND sẽ kiến nghị “xóa” chợ đêm”, ông Thiết nhấn mạnh.

Hy vọng với những giải pháp trên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại chợ đêm Hòa Khánh sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Và chợ đêm sẽ trở thành khu ẩm thực, khu vui chơi giải trí văn minh, lịch sự không chỉ đối với người dân địa phương mà còn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến chợ.  

Bài và ảnh: Trọng Hùng

Đọc thêm