Xử lý rác thải ở nông thôn

Ở nông thôn hiện nay việc đổ rác diễn ra khá thoải mái, nhiều vùng rác ngập ngụa. Theo thói quen, nhiều người thường vứt bừa bãi chất thải ra ngoài đường, trên ruộng, mương máng hoặc ngay góc vườn nhà mình. Chính những đống rác thải sinh hoạt đổ lung tung này lâu ngày tích tụ lại, sau những trận mưa đã phân tán ra các nơi, gây ô nhiễm môi trường.

Ở nông thôn hiện nay việc đổ rác diễn ra khá thoải mái, nhiều vùng rác ngập ngụa. Theo thói quen, nhiều người thường vứt bừa bãi chất thải ra ngoài đường, trên ruộng, mương máng hoặc ngay góc vườn nhà mình. Chính những đống rác thải sinh hoạt đổ lung tung này lâu ngày tích tụ lại, sau những trận mưa đã phân tán ra các nơi, gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, ở nông thôn chủ yếu chỉ có rác hữu cơ, có thể tự phân hủy; nhưng hiện nay rác vô cơ, túi ni-lông và nhiều tạp chất khác ngày càng nhiều và sự ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân của tình trạng đổ rác bừa bãi là do nhận thức người dân còn giản đơn trong vấn đề rác thải. Ở đa số vùng nông thôn, công tác truyền thông về môi trường nói chung và chất thải nói riêng còn chưa được thường xuyên, việc hướng dẫn cho bà con cách xử lý rác thải cũng ít được quan tâm.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các địa phương cần coi trọng việc xử lý rác thải, giữ gìn môi trường khu vực nông thôn. Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, ngành môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương có biện pháp xử lý rác thải. Trước hết, tuyên truyền, vận động bà con không vứt rác bừa bãi; đồng thời nên đưa vấn đề quản lý rác thải về từng hộ gia đình; hướng dẫn bà con cách phân loại rác ngay tại nhà mình: Cái gì chôn được thì chôn lấp (gạch ngói, sành sứ); cái gì tái sử dụng được thì sử dụng (rau cỏ, rơm rạ ủ làm phân, làm biogas); cái gì đốt được thì đốt (bìa cứng, cành cây); các chất độc hại như xác chết động vật bị bệnh, túi ni-lông, hộp đựng bình ác-quy… thu gom đưa xử lý theo đúng quy trình và đúng nơi quy định...

Bên cạnh đó, chính quyền các xã nên tổ chức các điểm đổ rác, đặt các thùng rác ở các điểm dân cư (xóm, thôn). Ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng sớm đầu tư kinh phí, tổ chức hệ thống thu gom rác và hệ thống cán bộ chuyên trách hoặc nhân viên môi trường ở nông thôn nhằm hướng dẫn, tổ chức cho bà con xử lý rác thải. Làm như vậy chẳng những góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, có đời sống văn minh mà còn xây dựng một môi trường trong lành cho người dân lao động./.

Theo: qdnd.vn

Đọc thêm