’Xử lý tận gốc’ tình trạng tăng giá bất hợp lý

Bộ Tài chính (BTC) vừa có hướng dẫn thực hiện bình ổn giá nhằm xử lý tận gốc tình trạng tăng giá bán hàng hoá, dịch vụ bất thường làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ Tài chính (BTC) vừa có hướng dẫn thực hiện bình ổn giá nhằm xử lý tận gốc tình trạng tăng giá bán hàng hoá, dịch vụ bất thường làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Khi giá hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá có biến động bất thường Bộ trưởng BTC có thẩm quyền quyết định mức giá tối đa, giá tối thiểu. (Ảnh: ĐT)
Khi giá hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá có biến động bất thường Bộ trưởng BTC có thẩm quyền quyết định mức giá tối đa, giá tối thiểu. (Ảnh: ĐT)

Đây là căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc bình ổn giá; thẩm định phương án giá; quyết định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; giám sát, kiểm tra việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, chấp hành pháp luật về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, khi giá hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá có biến động bất thường BTC sẽ áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá như sử dụng các biện pháp để điều hành cung - cầu giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa sản xuất và xuất nhập khẩu, giữa các vùng miền trong cả nước và giữa các thời điểm trong năm; mua vào - bán ra hàng dự trữ quốc gia thuộc hệ thống dự trữ nhà nước.

Ngoài ra, BTC còn thực hiện việc kiểm soát hàng hóa tồn kho của các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh và áp dụng các chính sách tài chính, tiền tệ (điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp với quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế).

Cũng theo hướng dẫn này, khi giá hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá có biến động bất thường Bộ trưởng BTC có thẩm quyền quyết định mức giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; công khai thông tin về giá.

Ngoài ra, Bộ trưởng BTC còn có thẩm quyền quyết định sử dụng các biện pháp về kinh tế, hành chính nhằm thực hiện bình ổn giá như quyết định đình chỉ thực hiện mức giá hàng hóa, dịch vụ không hợp lý và yêu cầu thực hiện mức giá trước khi có biến động bất thường; phạt cảnh cáo, phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; thu phần chênh lệch giá do tăng giá bất hợp lý vào ngân sách nhà nước.

Cùng với các biện pháp trên, Bộ trưởng BTC còn có thẩm quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh của tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về giá.

Theo hướng dẫn thực hiện bình ổn giá, tại địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá như đình chỉ thực hiện mức giá không hợp lý và yêu cầu thực hiện mức giá trước khi có biến động bất thường; phạt cảnh cáo, phạt tiền và thu phần chênh lệch giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh tăng giá bất hợp lý vào ngân sách nhà nước…

Đối với những vi phạm nghiêm trọng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh còn được quyền tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh của tổ chức, cá nhân vi phạm; tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, niêm yết giá và giá bán hàng hóa, dịch vụ.

Theo hướng dẫn này, việc bình ổn giá bằng các biện pháp nêu trên sẽ được thực hiện khi giá thị trường của hàng hoá, dịch vụ tăng cao hơn so với mức tăng giá của các yếu tố “đầu vào”, hoặc cao hơn so với giá vốn hàng nhập khẩu (chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, lợi nhuận…) không đúng với các chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chế tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; giá giảm không hợp lý so với chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm được tính toán theo các chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá khi giá hàng hoá, dịch vụ  tăng hoặc giảm không có căn cứ, trong khi các yếu tố hình thành giá không có biến động trong trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế - tài chính, mất cân đối cung - cầu tạm thời hoặc do tin đồn thất thiệt không có căn cứ về việc tăng giá hoặc giảm giá.

Ngoài ra, khi giá hàng hoá, dịch vụ tăng hoặc giảm không hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền về giá cũng sẽ được cơ quan nhà nước thực hiện bình ổn giá.

Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo Nghị định 75/2008/NĐ-CP gồm xăng, dầu; xi măng; thép xây dựng; khí hóa lỏng; phân bón hóa học; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y; muối; sữa; đường ăn; thóc, gạo; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định; cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng và một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc như ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương.

(Theo Đầu Tư)

Đọc thêm