Năm 2020, toàn lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tích cực triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Ông cho biết thêm về kết quả việc thực hiện Kế hoạch này?
- Năm 2020 là năm đầu tiên chúng tôi thay đổi cách thức làm công tác kiểm tra về hàng giả theo hướng cụ thể thay vì dàn trải như trước đây. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tấn công vào những tụ điểm rõ ràng, những tụ điểm mà ai cũng biết nhưng chưa bao giờ vào để kiểm tra được vì nhiều lý do.
Do đó, ngay từ cuối năm 2019, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo trực tiếp Cục Nghiệp vụ QLTT xây dựng thực hiện Kế hoạch tại các địa bàn nổi cộm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên; Phối hợp với các DN, Cục QLTT các tỉnh thành tổ chức triển khai kiểm tra chuyên đề và kiểm tra đồng loạt tại các địa bàn nổi cộm; Phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền công tác đấu tranh, phòng ngừa, kiểm tra và xử lý vi phạm tại các địa bàn trọng điểm.
Tuy nhiên, kế hoạch kiểm tra của lực lượng QLTT bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19, chúng tôi phải tung nhân lực kiểm tra sát sao thị trường thiết bị phòng dịch trong khoảng 3 tháng liên tục. Bên cạnh đó, do dịch Covid nên không có khách du lịch, khiến sức mua giảm, việc tập kết hàng hóa không rầm rộ như các năm trước.
Nhưng dù thế, kết quả đạt được khá khả quan. Cụ thể, tính đến hết tháng 11 năm 2020, riêng việc thực hiện Kế hoạch này, chúng tôi đã kiểm tra xử phạt 1.755 vụ, số tiền xử phạt gần 17 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 20 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ. Đồng thời đã vận động, tuyên truyền, ký cam kết không bán hàng giả, hàng nhái đối với 10.844 cơ sở.
Với các tụ điểm đã xử lý được, chương trình “hậu kiểm” sau khi tịch thu, xử phạt tại các địa phương được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải làm một cách triệt để, cụ thể, không cần dàn trải, cố gắng xử lý triệt để tận gốc vài tụ điểm nên việc hậu kiểm vô cùng quan trọng. Nhưng chương trình hậu kiểm gặp một số vấn đề. Thứ nhất là tiêu thụ hàng giả, hàng nhái vẫn có hiện tượng lặp đi lặp lại, cứ vào kiểm tra xong được một vài hôm thì lại đâu vào đấy.
Đấy là thực trạng rất nhiều năm nay, tất cả các lực lượng rồi các cơ quan chức năng và Ban 389 của các tỉnh và chính quyền địa phương đều biết việc này. Do đó, để có thể xử lý triệt để thì chỉ có một cách phải thường xuyên kiểm tra, rà đi rà lại, rút ra rồi lại kiểm tra, thậm chí quay lại kiểm tra chỉ sau đấy vài ngày. Thứ hai là thực hiện tuyên truyền, ký cam kết không tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và dán bản cam kết trên tường. Nếu sau này kiểm tra lại mà vẫn tiếp tục bán hàng giả thì sẽ phạt tăng nặng.
Nhưng nói thật, các tụ điểm, trung tâm bán hàng giả này đã có từ quá lâu rồi, tồn tại hàng chục năm nay nên không thể trong ngày một ngày hai mà chúng ta có thể xóa sổ được. Do đó, một mặt kiểm tra, xử lý nhưng mặt khác chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm và tìm cách chuyển dịch cơ cấu rồi thay đổi cách thức kinh doanh của bà con ở các tụ điểm đấy. Tôi nghĩ vai trò của chính quyền địa phương ở đây là cực kỳ quan trọng.
Ông có thể cho biết những phương án tiếp theo trong Kế hoạch tấn công các tụ điểm này?
- Chúng tôi đã chuẩn bị tính toán phương án cho năm 2021 khi việc kiểm soát dịch Covid đã ổn định, chắc chắn khách du lịch sẽ quay trở lại, các tụ điểm nổi cộm sẽ lại hoạt động rầm rộ như trước. Năm tới, chúng tôi cũng vẫn sẽ sát sao với Kế hoạch này và tiếp tục thực hiện theo hướng như năm 2020. Cụ thể chúng tôi tiếp tục yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát tại các địa bàn nổi cộm để triển khai các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các địa bàn nổi cộm.
Thực tế thời gian vừa qua như tại Hà Nội và TP HCM đã triển khai nhiều đợt kiểm tra nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn. Đối với các địa bàn hay xảy ra tình trạng tái phạm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Ninh,.... chúng tôi yêu cầu các Cục QLTT huy động đủ nguồn lực để triển khai thường xuyên, liên tục các hoạt động theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm, triệt để để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng tái phạm.
Xin cảm ơn ông!