Xứ Nghệ đánh thức tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao

(PLVN) - Vùng đất bazal thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Phủ Quỳ ở tỉnh Nghệ An đã từng là điểm nổi tiếng với các cây công nghiệp từ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến nay, nhiều dự án nông nghiệp sạch đã được đưa vào đầu tư tại địa phương này, phát huy hiệu quả và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương.
Xứ Nghệ đánh thức tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao

“Nam Đắk Lắk, Bắc Phủ Quỳ”, hai vùng đất bazal tốt tươi bậc nhất của Việt Nam. Phủ Quỳ thuộc huyện Nghĩa Đàn và một phần thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) luôn là điểm được các nhà đầu tư về nông nghiệp chú ý đến.

Phủ Quỳ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An có diện tích đất tự nhiên và đồi núi rộng, đã từng là vùng chuyên canh cà phê, cao su, cam, quýt nổi tiếng của cả nước. Thiên nhiên đã ban tặng cho Phủ Quỳ 3.441 ha đất đỏ bazal, một loại đất tốt và quý hiếm để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, cam, quýt. Sau đất bazal là đất phiến thạch, đất đá vôi, đất phù sa cổ… cũng rất thích hợp cho việc trồng cây ăn quả có múi (cam, chanh, quýt, bưởi).

Những năm đầu thập niêm 90 của thế kỷ 19, người Pháp đã đưa cây cà phê đến trồng tại vùng đất Phủ Quỳ vì đã nhìn thấy tiềm năng của vùng đất bazal màu mỡ hiếm có, phát triển mạnh vào những năm 1925 – 1930. Thời đó, cà phê được đưa về Pháp chế biến rồi xuất khẩu sang các nước thứ ba và Thương hiệu “Cà phê Phủ Quỳ”. Cùng với cao su, cây cam quýt và cà phê được chọn là ba cây công nghiệp chủ lực của những nông trường tại vùng Phủ Quỳ.

Cây cam được trồng ở Phủ Quỳ cũng là một loại cây phát triển mạnh, được xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) với đa dạng như cam Xã Đoài, cam Sông Con, cam Vân Du, cam Valencia nhập nội. Thương hiệu cam Vinh cũng xuất phát từ đây mà ra. Từ sau năm 2005, cây cà phê ở Phủ Quỳ đã bắt đầu đi xuống, diện tích thu hẹp dần do giá cà phê xuống thấp, sâu bệnh phát sinh nhiều, năng suất chất lượng suy giảm, lại không được đầu tư, chăm sóc… thay vào đó là sắn, mía, ngô, khoai, cỏ nuôi bò sữa… Tuy nhiên, các giống cam quýt cũng bị thoái hóa, giá cả cũng không ổn định nên diện tích thu hẹp dần khiến vùng đất Phủ Quỳ đầy tiềm năng và nội lực như bị “lãng quên”.

Từ những năm 2008, Tập đoàn TH đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất Phủ Quỳ quyết định đầu tư dự án nuôi bò sạch tự nhiên tại đây. Để thu hút dự án đầu tư, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đã nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng giao đất cho Tập đoàn TH xây dựng các trang trại chăn nuôi bò. Đất để trồng cỏ sữa chăn nuôi bò cũng được địa phương nhanh chóng giao cho nhà đầu tư.

Dự án nuôi bò sạch tự nhiên của Tập đoàn TH
 Dự án nuôi bò sạch tự nhiên của Tập đoàn TH

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, những đàn bò sữa đầu tiên đã được nhập về nuôi tại đây, vùng đất Phủ Quỳ được sử dụng để trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Nối tiếp là dự án nhà máy sản xuất sữa sạch tại Nghĩa Đàn cũng được triển khai đưa vào hoạt động. Dự án đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Trước những tiềm năng chưa thể khai thác hết, vùng đất Phủ Quỳ được Tập đoàn TH đầu tư Nhà máy Chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF, với tổng mức đầu tư 150 triệu USD, công suất 8.800 m3/năm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho nhà máy khi đi vào hoạt động, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu diện tích hơn 50.000 ha trên 6 huyện miền Tây Nghệ An.

Theo đó, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã chủ động tiếp nhận trên 11.000 ha để tổ chức sản xuất bài bản, số diện tích còn lại tiến hành ký hợp đồng liên doanh - liên kết với các đơn vị lâm nghiệp, các hộ dân để đầu tư giống, phân bón, các chế phẩm bảo vệ thực vật để tổ chức sản xuất. Để đảm bảo nguyên liệu cho công suất chế biến nhà máy cả 2 giai đoạn, ngày 7/12/2016 Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã có tờ trình gửi Sở NN&PTNT tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An cho chủ trương mở rộng quy hoạch gỗ nguyên liệu cho Dự án Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An thêm khoảng 25.000 ha (tức tăng từ 44.000 ha lên 69.000 ha) ở các vùng liền kề với vùng quy hoạch đã có. Nhà đầu tư còn liên kết với người dân địa phương, đầu tư để trồng rừng, bao tiêu sản phẩm gỗ để người dân yên tâm chăm sóc.

Chưa dừng lại ở đó, trước những tiềm năng vùng đất trù phú, Tập đoàn TH đã tiếp tục đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên có mức đầu tư là 1.177 tỷ đồng trên diện tích 11,75 ha. Loại hoa quả được khảo sát sử dụng làm nguyên liệu thô là quả cam - đặc sản của vùng Phủ Quỳ. Nhà máy sản xuất nước hoa quả Núi Tiên đi vào hoạt động được kỳ vọng góp phần mở rộng vùng trồng cam, quýt, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân trong khu vực. Với các giống quýt PQ1 chín muộn, cam V2, cam xã Đoài… vốn là những cây kinh tế mũi nhọn trước kia đã được “thức dậy” để góp phần phát triển kinh tế.

Các khu trồng rau, củ, quả sạch, trồng rau công nghệ cao cũng được đầu tư và cho ra thị trường những sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Nhìn chung các dự án đầu tư vào địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã tạo được bước chuyển lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Một mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao tại Nghệ An
Một mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao tại Nghệ An

Huyện Nghĩa Đàn đang tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư và từng bước lấp đầy diện tích đã quy hoạch và mở rộng tại Khu công nghiệp Phủ Quỳ và Cụm công nghiệp Nghĩa Long để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ, các dự án nông nghiệp đầu tư vào huyện rất hiệu quả, tạo công ăn việc làm cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Hiện nay khu công nghiệp Nghĩa Long đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đối với các dự án nông nghiệp, địa phương luôn cam kết giao đất cho các chủ đầu tư theo đúng tiến độ để kịp thời thực hiện các dự án.

Nghệ An đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: Vùng nguyên liệu chè tại các chuyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, chè chất lượng cao Tuyết Shan ở Kỳ Sơn, Tương Dương; Vùng cao su ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương; Vùng mía nguyên liệu tại các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Thái Hòa, Quỳ Châu; Vùng Lạc xuất khẩu tại huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn; Vùng cây ăn quả có múi tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn; Vùng nguyên liệu chanh leo tại huyện Quế Phong, vùng sản xuất chế biết thủy sản tại Quỳnh Lưu, Diễn Châu...  

Đến nay các doanh nghiệp Nghệ An mở rộng thị trường xuất khẩu đến 72 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Châu Á chiếm 80%; thị trường Châu Âu chiếm 5,1%; thị trường Châu Mỹ chiếm 2,1%; thị trường châu Úc chiếm 0,7%,và thị trường châu Phi chiếm 0,02%.Giá trị xuất khẩu: 849 triệu USD, tăng 12,1% so với năm 2015. Trong đó: Kim ngạch XKHH 568,5 triệu USD, tăng 10,39%; các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: Hàng rau quả tăng 89,28%; hàng dệt may tăng 88,17%; sản phầm gỗ tăng 24,64%;

Đọc thêm