Xóa bỏ những văn hóa phẩm độc hại
Thời gian qua, có không ít quyết định xử phạt vi phạm hành chính được cơ quan chức năng ban hành, liên quan đến những sản phẩm văn hóa mang nội dung không phù hợp, hoặc chứa những yếu tố tiêu cực, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của cộng đồng.
Có thể kể đến sự việc đình đám quanh một MV của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Cuối tháng 4/2022, MV này được chính thức phát hành trên nền tảng mạng xã hội Youtube với không khí đượm màu u ám, thê lương cùng cách giải quyết vấn đề đầy bế tắc của nhân vật chính.
Trước nguy cơ này, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có văn bản gửi Thanh tra Bộ đề nghị xử lý tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình MV trên mạng xã hội Youtube vì MV này không có tính giáo dục, có thể tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, nhất là trẻ em…
Ngày 5/5, Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 04 ngày 5/5/2022 xử phạt Công ty TNHH M-TP Entertainment vì đã có hành vi vi phạm: lưu hành bản ghi hình trên trang mạng xã hội Youtube có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội, vi phạm khoản 3 Điều 13 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (phạt số tiền 70 triệu đồng buộc tiêu hủy bản ghi hình ca khúc, nộp lại số lợi thu được từ MV; tháo gỡ bản ghi hình dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số).
Liên quan đến ẩn phẩm văn hóa độc hại, có trường hợp của hai rapper trên mạng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. là Lê Vũ An (nghệ danh “Chí”) và Đinh Thanh Tùng (nghệ danh “Chị Cả”) bị Thanh tra Bộ VH,TT&DL xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.
Theo Quyết định số 06/QĐ-XPVPHC, cá nhân Lê Vũ An đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính lưu hành bản ghi âm trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, bị phạt 45 triệu đồng, theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Theo Quyết định số 07/QĐ-XPVPHC, cá nhân Đinh Thanh Tùng đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính lưu hành bản ghi âm trên mạng xã hội có từ ngữ trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bị phạt 35 triệu đồng theo khoản 3 Điều 13 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Hai cá nhân này bị buộc tiêu huỷ bản ghi âm, nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do lưu hành bản ghi âm trên mạng xã hội và tháo gỡ bản ghi âm dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng, kỹ thuật số.
Quyết định này đã làm “nức lòng” cộng đồng bởi trước đó, hai sản phẩm âm nhạc này khi phát hành trên mạng đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng.
Trong lĩnh vực điện ảnh, thời gian trước, bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã bị Thanh tra Bộ VH,TT&DL xử phạt hành chính 50 triệu đồng và ngưng công chiếu. Nguyên nhân là mặc dù đã được đăng kí và được cấp phép, nhưng bản xuất hiện tại rạp lại có nhiều thay đổi so với bản cấp phép. Trong đó, có nhiều nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Người làm nghệ thuật cần tuân thủ pháp luật
Đối với lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, hầu hết các vụ bị phạt hành chính đều liên quan đến việc “biết luật mà phạm luật”. Điển hình là vụ việc nam ca sĩ Tuấn Hưng bị UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xử phạt 2,5 triệu đồng vì tổ chức biểu diễn không xin phép vào tháng 9 vừa qua.
|
Ca sĩ Tuấn Hưng nhận quyết định xử phạt hành chính sau nhiều lần tổ chức đêm nhạc trên ban công nhà mình. |
Trước đó, ca sĩ Tuấn Hưng tổ chức biểu diễn ngay tại ban công nhà mình với hàng ngàn khán giả theo dõi trên đường phố và phát lên mạng xã hội. Chính quyền địa phương đã có động thái nhắc nhở, hướng dẫn cụ thể, yêu cầu dừng buổi diễn vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống dịch bệnh nhưng Tuấn Hưng vẫn tiếp tục thực hiện các đêm nhạc.
Nam ca sỹ Tuấn Hưng bị phạt về hành vi “không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Ngày 13/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tại Điều 4 của Quy tắc quy định những quy tắc ứng xử chung của người hoạt động nghệ thuật. Theo đó phải: 1. Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật. 2. Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. 3. Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Thời điểm tháng 8/2022, cũng có một đơn vị tổ chức biểu diễn nhận quyết định xử phạt vì hành vi “phớt lờ” quy định pháp luật. Đó là trường hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Khang Việt Nam bị UBND TP HCM ban hành Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi tổ chức thi người đẹp mà không có văn bản chấp thuận với mức phạt 55 triệu đồng.
Đây không phải là đơn vị tổ chức thi hoa hậu đầu tiên bị xử phạt hành chính do tiến hành tổ chức khi chưa được cấp phép. Những năm qua, đã có hàng loạt công ty bị xử phạt liên quan đến nội dung này như: Công ty Cổ phần Thương mại và Vẻ đẹp Thảo mộc Toàn cầu tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thảo mộc Toàn cầu 2020 không có giấy phép; Công ty TNHH MTV Đầu tư Du lịch Giải trí Khổng Tước tổ chức thi hoa hậu doanh nhân “chui”...
Có thể thấy, các vụ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua liên quan đến các nội dung độc hại, lệch lạc trong tác phẩm đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Bởi, những năm vừa qua, cùng với sự phát triển của ngành giải trí trong nước, cộng với tốc độ “bành trướng” của mạng xã hội, hiện trạng văn hóa phẩm tiêu cực, độc hại tràn lan khắp nơi gây ảnh hưởng đến nhiều thế hệ đã trở thành một vấn nạn đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, một số cá nhân, đơn vị tổ chức biểu diễn “nhờn” luật cũng gây sự bức xúc cho công chúng, vì thế quyết định xử phạt nhận được sự đồng tình cao. Cộng đồng còn mong mỏi thời gian tới, cơ quan chức năng có động thái mạnh mẽ hơn, xử phạt một cách rốt ráo hơn các trường hợp vi phạm, như nhiều quốc gia lân cận đã và đang làm, góp phần trong hóa sạch môi trường văn hóa - giải trí trong nước.
Người làm nghệ thuật mà phạm luật sẽ là tấm gương xấu
Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Thời gian qua, tôi nhận thấy đã có nhiều vụ việc liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Đó là động thái đúng đắn, hợp lý của các cơ quan chức năng. Sau khi vi phạm, nhiều nghệ sĩ, nhà tổ chức biện minh rằng “không biết”. Nhưng theo tôi, các quy định của pháp luật về hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, mà cụ thể là trong biểu diễn nghệ thuật, trong các vấn đề về bản quyền, trong âm nhạc, điện ảnh, xuất bản... đã rất rõ ràng. Người làm văn hóa không thể nói mình “không biết” để bao biện cho việc phạm luật. Huống chi, có những trường hợp người làm nghệ thuật đã được cơ quan chức năng nhắc nhở mà vẫn vi phạm thì càng đáng trách hơn”.
“Tôi nghĩ, nghệ sĩ, người làm nghệ thuật cần nắm vững pháp luật trong lĩnh vực mình hoạt động để mà không phạm luật. Điều quan trọng nữa, nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng về suy nghĩ, hành xử, lối sống. Việc nghệ sĩ và người làm nghệ thuật thích “vượt rào”, phạm luật sẽ là tấm gương xấu cho người hâm mộ. Người nghệ sĩ, phải chăng cần xác định cho mình trách nhiệm đem sức ảnh hưởng của mình để khiến cho người hâm mộ đi theo con đường đúng đắn, tốt đẹp hơn, đó mới là người làm nghệ thuật chân chính”.